Xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng tăng 14,8%, bức tranh thương mại tiếp đà khởi sắc

Diên Vỹ 11:20 | 29/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 764 triệu USD.

 

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,63 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Về xuất khẩu, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,93 tỷ USD, giảm 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,39 tỷ USD, giảm 7,4%. 

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 56,99 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 159,36 tỷ USD, tăng 15,7%, chiếm 73,7%. 

Về cơ cấu nhóm hàng, trong 7 tháng, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,7%; nông sản, lâm sản chiếm 6,7%; nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,5%; hàng thủy sản chiếm 3,1%; còn lại là các nhóm hàng khác.

Trong 7 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD là Điện thoại và linh kiện; Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Dệt may và Giày dép.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 67,1 tỷ USD. Xếp sau là Trung Quốc (30,4 tỷ USD), EU (27,9 tỷ USD), ASEAN (20,6 tỷ USD), Hàn Quốc (13,9 tỷ USD) và Nhật Bản (13,4 tỷ USD).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,6 tỷ USD, giảm 4%. 

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,06 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,53 tỷ USD, tăng 13,7%. 

Chiếm chủ yếu trong cơ cấu hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022 vẫn là nhóm tư liệu sản xuất (94%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%). Ngoài ra, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%.

Trong 7 tháng năm 2022 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD lần lượt là: Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Điện thoại và linh kiện.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỷ USD. Xếp sau là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu 37,4 tỷ USD, ASEAN với 28,5 tỷ USD, Nhật Bản với 14,1 tỷ USD…

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 7 ước tính xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,83 tỷ USD.