Thưởng Tết 2021 bằng hiện vật nhưng phải được người lao động chấp thuận

10:02 | 31/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2021 ngoài tiền, người lao động có thể được thưởng bằng hiện vật. Nhưng hiện vật phải có giá trị ít nhất bằng giá trị tiền thưởng và được người lao động chấp thuận.
Hàng loạt quy định mới tác động đến quyền lợi của hàng chục triệu người lao động sẽ chính thức được áp dụng khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Zing đã có cuộc trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhằm phân tích rõ những tác động của các chính sách mới này tới người lao động.

Người lao động có quyền từ chối thưởng Tết bằng hiện vật
Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều quy định mới, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động. Ảnh: Hải Quân.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh ở lần sửa đổi này, bộ luật đã có quy định rất tiến bộ là không chỉ điều chỉnh 20 triệu người có quan hệ lao động, mà điều chỉnh cả những đối tượng từ 15 tuổi trở lên, tham gia vào quá trình lao động và không có quan hệ lao động.
 
“Việc này nhằm giám sát tiền công trả cho người lao động trong khu vực phi chính thức, chí ít phải đủ sống, bằng mức lương tối thiểu trở lên. Đây là căn cứ để các cơ quan chức năng có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động theo hộ gia đình, kiểm soát cả những người lao động tự do để đảm bảo an toàn và tiền lương”, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi phân tích.
 

Tăng tuổi nghỉ hưu để không gây sốc cho thị trường lao động


Với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lợi nhắc lại Bộ luật Lao động 2012 đã quy định nới tuổi làm việc đến mức 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực quản lý và xuất phát từ quan hệ giữa cung - cầu lao động.
 
Nhưng lần này, luật sửa đổi nâng tuổi nghỉ hưu theo hình thức bắt buộc mọi lực lượng lao động (không bị suy giảm khả năng lao động) phải nghỉ hưu ở 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.
 
Song, quy định này không áp dụng ngay từ năm 2021 khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành. Thay vào đó, tuổi nghỉ hưu mới đi theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam, 4 tháng với lao động nữ cho đến năm 2028 nam đủ 62 tuổi và đến năm 2035 nữ đủ 60 tuổi.
 
“Với quy định này, chúng ta sẽ không bị áp lực trong thị trường lao động. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và chuyển dần sang già hóa dân số. Do đó, phải nâng tuổi nghỉ hưu có lộ trình để không o ép, không gây sốc cho thị trường lao động và cũng không làm cản trở việc làm của lớp người trẻ được đào tạo bài bản”, ông Lợi phân tích.

Người lao động có quyền từ chối thưởng Tết bằng hiện vật
Tăng tuổi nghỉ hưu để cân bằng lực lượng lao động, đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Một tác động khác được ông Lợi chỉ ra là tăng tuổi nghỉ hưu để cân bằng lực lượng lao động. Theo ông Lợi, việc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ thay thế dần lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật và năng lực thấp, chọn lọc một lực lượng lao động chất lượng hơn về sức khỏe và chuyên môn.
 
“Quy định tuổi nghỉ hưu cũ dẫn đến tình trạng cống hiến, đóng góp thì ít mà hưởng thụ BHXH thì nhiều, gây mất cân bằng quỹ. Tăng tuổi hưu sẽ giảm bớt việc ngân sách Nhà nước phải bù đắp cho quỹ BHXH”, ông Lợi nêu quan điểm.
 
Với lo ngại tăng tuổi hưu tác động đến tỷ lệ thất nghiệp, ông Lợi khẳng định “có tác động nhưng rất nhỏ và vì đổi mới phải chấp nhận”.
 
Một điểm khác được ông Lợi nhấn mạnh là quy định tăng tuổi nghỉ hưu áp dụng trong điều kiện lao động bình thường, còn người lao động thuộc một trong các điều kiện như trong môi trường độc hại, nặng nhọc, suy giảm sức khỏe… vẫn được nghỉ hưu sớm đến 5 năm. Nếu vừa làm việc trong môi trường vừa độc hại, vừa suy giảm sức khỏe, có thể nghỉ hưu trước 10 năm.
 
Ngược lại, người có năng lực trình độ, sức khỏe, năng lực quản lý có thể kéo dài thời gian làm việc không quá 5 năm.
 

Nhà nước không can thiệp cơ chế tiền lương của doanh nghiệp


Đề cập đến chính sách tiền lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết Bộ luật Lao động sửa đổi có thay đổi căn bản. Trước đây quy định “mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”, nhưng nay đổi thành “mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu”, vì khái niệm "nhu cầu sống" là vô cùng.
 
Theo ông Lợi, quy định mới là Nhà nước không can thiệp vào cơ chế tiền lương của doanh nghiệp. Chủ sử dụng lao động, người lao động và các bên của Hội đồng tiền lương quốc gia quyết mức lương tối thiểu vùng, không còn thang, bảng lương. Nhà nước cũng sẽ không quy định tăng lương, điều chỉnh tiền lương và không can thiệp vào cơ chế tiền lương của doanh nghiệp.
 
Thay vào đó, cơ chế tiền lương, phúc lợi xã hội sẽ do doanh nghiệp quyết định. Nhà nước chỉ đảm bảo mức tiền lương của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng mức sống tối thiểu, bảo toàn quyền, lợi ích của người lao động.

Người lao động có quyền từ chối thưởng Tết bằng hiện vật
Ngoài tiền, người lao động có thể được thưởng bằng hiện vật. Nhưng việc thưởng bằng hiện vật phải được người lao động chấp thuận. Ảnh minh họa.

Quy định về tiền thưởng Tết cũng có đổi mới quan trọng, theo lời ông Lợi.
 
Trước đây, có quy định người sử dụng lao động được trả thưởng bằng hiện vật. Nhiều doanh nghiệp lạm dụng điều này, bắt người lao động lấy hiện vật không đúng giá trị khiến người lao động bị thiệt.
 
Nhưng nay, với Bộ luật Lao động sửa đổi, hiện vật thay thế tiền thưởng của người lao động phải có giá trị ít nhất bằng giá trị tiền thưởng, khuyến khích có giá trị cao hơn tiền thưởng. Nếu trái pháp luật sẽ bị xử lý.
 
“Đặc biệt, việc thưởng cho người lao động bằng hiện vật phải theo cơ chế thỏa thuận. Nếu người lao động không đồng ý lấy hiện vật thì không được thưởng bằng hiện vật”, ông Lợi giải thích.
 

Không tăng giờ làm thêm để giữ sức khỏe cho người lao động


Với quy định “nới giờ làm thêm theo tháng lên 40h”, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết Bộ luật Lao động sửa đổi quy định không tăng giờ làm thêm, nhưng nới rộng giờ làm thêm trong tháng để tổng thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm trong điều kiện bình thường và 300 giờ/năm với trường hợp đặc biệt.
 
“Việc không tăng thời gian làm thêm là để giữ sức khỏe cho người lao động. Quan trọng nhất là thúc đẩy việc đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, chứ không phải tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc của người lao động”, ông Lợi nói.

Người lao động có quyền từ chối thưởng Tết bằng hiện vật
Việc Bộ luật Lao động sửa đổi không quy định tăng giờ làm thêm là để đảm bảo sức khỏe của người lao động. Ảnh: Việt Linh.

Ông cho rằng không có lý do gì lại tăng thời gian làm thêm khi kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát triển. Thực tế, nhiều người muốn làm thêm để tăng thu nhập vì họ chưa hiểu hết tác động lâu dài. Làm thêm có thể tăng thu nhập trước mắt nhưng sẽ làm suy giảm sức khỏe về sau, tăng nguy cơ tai nạn lao động.
 
Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định tăng ngày nghỉ lễ trong năm, nghỉ 2 ngày dịp lễ Quốc khánh 2/9.
 
Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc quyết định chọn nghỉ 2 ngày vào dịp này thỏa mãn được 3 điều kiện.
 
Trước hết là có ý nghĩa khi nghỉ thêm một ngày vào dịp Tết độc lập - một thời điểm vinh quang của đất nước. Hai là dịp này trùng với thời điểm toàn dân đưa con đến trường, nếu có thêm ngày nghỉ sẽ đảm bảo điều kiện chuẩn bị chăm sóc cho con vào năm học mới.
 
Và cuối cùng, việc này giúp người lao động có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, tăng tổng số ngày nghỉ lễ trong năm lên 11 ngày, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người lao động.
 
Theo Zing News