Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH): Dự báo triển vọng lợi nhuận còn tăng mạnh

Trang Mai 10:57 | 30/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chứng khoán VNDIRECT dự báo VSH sẽ còn phát triển và thu về lợi nhuận sau thuế cao hơn trong tương lai nhờ việc hưởng lợi chính từ quá trình tự do hóa thị trường điện; nhất là trong bối cảnh công ty đang đàm phán với EVN để nâng giá bán trung bình của Thượng Kontum từ 1.100 đồng/kWh lên 1.300 đồng/kWh.

6 tháng năm 2022, lợi nhuận của VSH vượt kế hoạch cả năm

Sau năm 2021 ghi nhận kỷ lục doanh thu và lợi nhuận trong lịch sử hoạt động (1.611 tỷ đồng và 387 tỷ đồng), Công ty cổ phần Vĩnh Sơn Sông Hinh tiếp tục đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể, VSH đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất là 1.857 triệu kWh, doanh thu kế hoạch lên 2.030 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 525,2 tỷ đồng. 

Theo kết quả kinh doanh trong báo cáo bán niên 2022, doanh thu thuần bán hàng của VSH đạt 1.469,7 tỷ đồng, tăng 116,3% so với cùng kỳ 2021. Trừ gần 500 tỷ đồng tiền vốn, Công ty thu về 969,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng mạnh 143,7%. 

Lãi sau thuế của VSH đạt 660,9 tỷ đồng, tăng tới 179%, tương đương 424,3 tỷ đồng so với bán niên 2021 và hoàn thành 125,8% kế hoạch cả năm.

 

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 của VSH tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh, cụ thể:

Về hoạt động sản xuất điện, VSH cho biết tình hình thuỷ văn các tháng cuối năm 2021 thuận lợi, mưa nhiều ở khu Miền Trung, tổng sản lượng điện sản xuất của Công ty 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng điện thương phẩm trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.177,40 triệu kWh (trong đó sản lượng Nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum đạt 698,77 triệu kWh) tăng 431,70 triệu kWh tương đương tăng 57,89% so với kỳ này năm 2021.

Tổng doanh thu sản xuất điện 6 tháng năm 2022 tăng 780,87 tỷ đồng tương đương tăng 113,37% so với kỳ này năm trước, nguyên nhân là do sản lượng điện sản xuất tăng và giá bán điện bình quân trên Thị trường phát điện cạnh tranh của 3 Nhà máy cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, chi phí sản xuất điện của 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 220,87 tỷ đồng, tương ứng tăng 72,43%, nguyên nhân: các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất điện của Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum phát sinh, chi phí tăng chủ yếu là thuế tài nguyên và phí dịch vụ môi trường rừng.

Về hoạt động tài chính, lợi nhuận của hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm 2022 giảm 109,86 tỷ so với 6 tháng đầu năm 2021 (giảm 102,40%) nguyên nhân chính là do chi phí lãi vay của Nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum sau khi đi vào hoạt động được ghi nhận vào chi phí tài chính của Công ty dẫn đến chi phí tài chính tăng 110,64 tỷ đồng, tương ứng tăng 100,51 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/6/2022, VSH ghi nhận tổng tài sản 9.853,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt cùng các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn đạt 304 tỷ đồng, tương đương 3,1% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu là 4.422,4 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là 1,06 lần. 

Tổng nợ phải trả là 5.431 tỷ đồng, trong đó 4.575,3 tỷ đồng là khoản vay dài hạn. Công ty đã hoàn trả 380 tỷ đồng, tức 7,5% tổng nợ vay dài hạn trong 6 tháng. 

Triển vọng lợi nhuận sáng sủa

Trong báo cáo triển vọng mới nhất, Chứng khoán VNDIRECT dự báo VSH sẽ còn phát triển và thu về lợi nhuận sau thuế cao hơn trong tương lai nhờ việc hưởng lợi chính từ quá trình tự do hóa thị trường điện. Chi phí sản xuất thấp giúp VSH có lợi thế trong việc bán điện thông qua thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, cam kết của Nhà nước nhằm đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc giá than, khí tăng nhanh đã hỗ trợ tỷ lệ huy động của thủy điện so với các nguồn điện khác.

Ngoài ra, nhà máy Thượng Kontum (220MW) đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2021. Nhà máy ước tính cung cấp khoảng 814 triệu kWh điện mỗi năm, nâng tổng công suất sản xuất lên 356MW. Hiện tại, công ty đang đàm phán với EVN để nâng giá bán trung bình của Thượng Kontum từ 1.100 đồng/kWh lên 1.300 đồng/kWh. Nếu thành công, lợi nhuận trước thuế của VSH dự kiến sẽ tăng thêm trung bình 200 tỷ đồng/năm.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương, tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm sẽ đạt khoảng 9% trong giai đoạn 2021-2030 nhờ tốc độ dân số tăng trưởng nhanh và dòng vốn FDI dồi dào. Cuối tháng 7 năm nay, mảng Sản xuất và chế biến chiếm đến 74,6% tổng vốn FDI đăng ký thêm, phản ánh tiềm năng nhu cầu điện rất lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

VSH bị HOSE nhắc nhở vì chậm công bố thông tin thanh toán án phí hơn 28 tỷ đồng 

Ngày 28/9, VSH đã bị HOSE nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin Phán quyết của Hội đồng trọng tài 76/19HCM giải quyết vụ kiện số VIAC 76/19HCM.

Liên quan đến vụ kiện, ngày 9/4/2019, VSH nộp đơn khởi kiện tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc - tới Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Tuy nhiên, đến ngày 15/11/2019, VSH lại nộp văn bản rút yêu cầu khởi kiện trước đó. Đến ngày 16/9/2022, Hội đồng trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, VSH phải chịu thanh toán chi phí pháp lý phát sinh cho tổ hợp nhà thầu, với số tiền hơn 933 ngàn USD (gần 22 tỷ đồng); hoàn trả tổ hợp nhà thầu phí trọng tài và án phí vụ kiện gần 6,5 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền VSH phải chi trả hơn 28 tỷ đồng.

Ngày 21/9, VSH đã có văn bản công bố thông tin tới HOSE và website chính thức của Công ty. Tuy nhiên, vì đã quá hạn công bố, VSH vẫn phải nhận văn bản nhắc nhở theo quy định.