Tiêu 400.000 tỷ tín dụng tháng cuối năm: Chuyên gia nói không quá quan ngại việc hấp thụ

Diên Vỹ 18:36 | 13/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang, room tín dụng còn lại của năm 2022 là rất lớn (3,5-4%), tương đương 300-400 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đang "đốt đuốc" tìm doanh nghiệp để cho vay, và cũng rất muốn cho vay vì bản thân ngân hàng phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.

 

Doanh nghiệp khó trăm bề, đặc biệt đói vốn

Tại Diễn đàn tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao động tổ chức sáng 13/12, nhiều doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vấn đề vốn - thanh khoản hiện là khó khăn lớn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng doanh nghiệp là tế bào của xã hội nhưng hiện đang rất khó khăn, đặc biệt là tắc vốn. 

“Hôm qua, tôi ngồi cùng một doanh nghiệp có 5.000 công nhân mà đứt đơn hàng từ tháng 7 đến giờ, không tìm được nguồn. Tôi không kêu cho tôi, không kêu cho Vietravel… Điều tôi trăn trở, băn khoăn là thiết kế chính sách kịp chưa, đúng chưa, nhanh chưa và chúng tôi đề xuất có hướng cải thiện”, Chủ tịch Vietravel trăn trở.

“3 kênh vốn là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, may quá còn vốn tín dụng. Kênh chứng khoán, ra cơ quan quản lý xin tăng vốn không cho 5 tháng nay…  Trái phiếu lại đang khủng hoảng niềm tin”, ông Kỳ nói thêm.

  Ông Nguyễn Quốc Kỳ. Ảnh: Báo NLĐ

Còn theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM; sau 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp trong ngành hầu hết đều đang chịu áp lực trên nhiều mặt.

Cụ thể, năm 2021 là năm đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp thuộc Hội đối diện tình trạng khó khăn; từ vận tải, mua nguyên liệu, triển khai sản xuất… để cung ứng cho thị trường đều khó. Trong điều kiện chi phí đầu vào tăng nhưng sản phẩm cung ứng cho thị trường gần như không tăng giá đã tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp. 

Năm 2022, doanh nghiệp lại phải đối diện với hàng loạt thách thức; từ vấn đề thị trường chứng khoán biến động, room tín dụng… trong nước đến lạm phát trên toàn cầu. 

“Chi phí đầu vào tăng cao, từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, vật tư, phí vận chuyển đến tiền lương cho người lao động đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Chưa kể, doanh nghiệp sau dịch thiếu lao động, phải tổ chức đào tạo lại khiến phát sinh chi phí. Năng suất lao động sau thời gian đại dịch giảm, cấu thành giá thành sản phẩm bị tăng. Đối với những doanh nghiệp bị phụ thuộc nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị ở thị trường bên ngoài thì tỷ giá tăng đã ảnh hưởng lớn; đâu đó ở các thị trường truyền thống bị thiếu nguyên liệu…”, ông Dũng nói thêm.

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước thông báo quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD.  

Tương tự Chủ tịch Vietravel, ông Dũng cho rằng trước thực trạng doanh nghiệp đói vốn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, từ chính sách đến thực tiễn cần có độ trễ. Vì vậy ông kỳ vọng các ngân hàng thương mại sớm nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

 

Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng phải “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cho vay

Chia sẻ khó khăn về vốn với doanh nghiệp, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dẫn chứng hình ảnh một đám ruộng khô thiếu nước, tức đang khát tiền. Trong khi đó, thật sự có một hồ chứa nước rất lớn bên cạnh là tiền mà kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng thì đang bị nghẽn. “Nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có”, ông Trần Du Lịch ví von. 

Trong bối cảnh đó, việc NHNN nới room tín dụng thêm 1,5%-2% tổng dư nợ tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng sẽ phần nào giúp giải tỏa "hạn hán".

Cũng cho rằng các kênh dẫn vốn và nguồn vốn chảy vào bể nước đang nghẽn; TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước chỉ ra thêm rằng từ đầu năm đến giờ, kênh dẫn vốn lớn nhất đang chảy ra nền kinh tế là kênh tín dụng ngân hàng.

“Tín dụng tăng trưởng đến nay là trên 12%, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế trong năm nay. Nói để thấy, vai trò của ngành ngân hàng trong thời gian qua đóng vai trò rất lớn cho sự phục hồi và cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Quang nói.

  TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Báo NLĐ

Với việc NHNN nới room tín dụng thêm 1,5-2% trong thời gian qua; nâng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt trên 15,5-16%; thì chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4% room tín dụng còn lại. 

“Đây là rất thách thức. Làm sao để ngành ngân hàng tiêu 300.000 - 400.000 tỷ đồng dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn. Tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn, cho vay những doanh nghiệp đang lỗ… Vì tiền cho vay ra là từ huy động của người dân. 

Khẳng định vốn tín dụng không thiếu; lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng ngân hàng thương mại hiện cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt, không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng.

Theo ông Quang, room tín dụng 3,5%-4% trong 3 tuần cuối năm là cực kỳ nhiều, vì thống kê tháng 12 hàng năm thường chỉ cần từ 2-2,2% room tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí. Do đó, câu chuyện là giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tìm tiếng nói chung để nguồn vốn lan tỏa ra nền kinh tế, hướng tới những lĩnh vực chủ lực. Chẳng hạn, lĩnh vực xuất khẩu lãi suất chỉ 5,5%/năm và tất nhiên doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.

Tiêu 400.000 tỷ vốn tín dụng: Không quá quan ngại việc hấp thụ

Cho rằng động thái nới room tín dụng của NHNN là tín hiệu tích cực, đại diện Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ vẫn quan ngại câu chuyện hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như sự lệch pha giữa chính sách và nhu cầu doanh nghiệp.

“Trong vòng 3 tuần hoặc 7 tuần (kéo dài đến hết tháng 1-2023) tiêu thụ hết gần 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng là vô phương. Thủ tướng Chính phủ vừa vừa ký công điện khẩn cho NHNN đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế…. 

Chúng ta cần thiết kế chính sách đi trước và phải nhanh để các định chế, trong đó có tài chính và ngân hàng đi theo. Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần oxy, tài chính là oxy mà chia nhau thế này thì doanh nghiệp không thể khoẻ được”, lãnh đạo Vietravel nói thêm.

Nói về vấn đề hấp thụ vốn trong bối cảnh hiện tại, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV khẳng định không nên quá quan ngại bởi doanh nghiệp hiện nay rất cần vốn, đặc biệt dịp cuối năm và nhất là trước Tết Nguyên đán. Chưa kể, năm nay, doanh nghiệp phải đội chi phí rất lớn, tăng thêm nhu cầu vốn của doanh nghiệp thêm từ 7%-14%, trong khi các kênh huy động vốn rất khó. Chẳng hạn kênh trái phiếu doanh nghiệp,lượng phát hành giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng doanh nghiệp bất động sản càng khó phát hành hơn.

“Nới room tín dụng là rất tích cực, vì nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dở dang khi trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được mà nay cần vốn cho những khoản nợ đến hạn phải thanh toán, người mua nhà phải giải ngân tiếp”, ông Lực nhận định.

 TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: Báo NLĐ

Dù vậy, vị chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn ở các kênh dẫn vốn khác, như trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh rất quan trọng với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Cùng đó, ngân hàng thương mại không thể cho vay quá nhiều với nhóm bất động sản để đảo nợ.

Ngoài ra, ông Lực kiến nghị cần sớm sửa Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, cung là doanh nghiệp sẽ phát hành dễ thở hơn; còn cầu là các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở, công ty  khác… mạnh dạn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp.

Tương tự nhận định của TS. Cấn Văn Lực, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn nhiều kênh khác như nguồn vốn quan trọng như vốn tự có của doanh nghiệp tạo đòn bẩy rất lớn cho doanh nghiệp phát triển hay kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Do đó, cần có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.