Tốc độ tăng chậm lại, lãi suất huy động liệu có đảo chiều?

Lê Phương (TTXVN) 07:45 | 04/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãi suất huy động tại các ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại, không còn những đợt điều chỉnh tăng liên tiếp như trong các tháng trước. Liệu kịch bản lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ đi ngang hay đảo chiều giảm?

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Chậm lại đà tăng

Nhìn lại diễn biến lãi suất huy động tại các ngân hàng, xu hướng đi lên được ghi nhận kể từ đầu quý II/2024 sau một thời gian dài lãi suất chạm đáy. Liên tiếp hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với biên độ tăng từ 0,3 - 0,6%/năm. Thậm chí có ngân hàng còn tăng lãi suất đến 2 - 3 lần trong một tháng. Đáng chú ý như trong tháng 6, có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh lãi suất và hơn một nửa trong số đó tăng lãi suất 2 lần trong tháng.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9, đà tăng đã có dấu hiệu giảm khi chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Và sang đến tháng 10 và tháng 11 này, biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng không có nhiều biến động. Điều này phản ánh xu hướng tăng lãi suất huy động bắt đầu có sự chững lại sau một thời gian tăng liên tục.

Hiện một số ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất cao nhất trên 7%/năm nhưng để hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng được điều kiện về số tiền gửi lên đến hàng trăm tỷ đồng hoặc thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Như tại PVcomBank, ngân hàng này đang dẫn đầu với mức lãi suất đặc biệt khi gửi tại quầy đạt 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, nhưng số dư tối thiểu cần tới 2.000 tỷ đồng.

Tương tự, HDBank cũng đưa ra mức lãi suất lên tới 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, với yêu cầu về số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Cùng mức tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng, MSB cũng không kém cạnh với mức lãi suất lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng.

Xu hướng phân hóa

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất huy động vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm và việc giảm lãi suất trong thời gian tới là khó khả thi. Bởi lẽ, cầu huy động vốn theo thông lệ thường tăng mạnh vào cuối năm khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn, khiến lãi suất khó giảm thêm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tăng cao buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và làm giảm khả năng giảm lãi suất. 

Theo dự báo từ MBS Research, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, đạt mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.

Báo cáo quý III/2024 của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại cho thấy xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức và có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, đặc biệt khi kinh tế chịu tác động từ những trận thiên tai gần đây.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và có cấu trúc huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực cao hơn trong việc giữ ổn định lãi suất huy động.

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý IV/2024 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo - Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng dự báo rằng, trong năm 2024, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,1%/năm, trong khi lãi suất cho vay sẽ giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2023. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng tổng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng trung bình 3,2% trong quý IV và đạt mức tăng 7,9% trong cả năm 2024.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để cải thiện mặt bằng lãi suất, cần đến các giải pháp chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp. Khi trái phiếu chính phủgiảm lãi suất, nó có thể kéo theo giảm chi phí huy động vốn cho ngân hàng, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9 vừa qua.

Từ ngày 20/11 tới đây, Thông tư 48/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bao gồm cả khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.  Tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam và khi nhận tiền gửi, không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác).

Những quy định mới này được đánh giá là nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tạo sự minh bạch góp phần ổn định lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng vì thế cũng sẽ cần điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh mạnh mẽ hơn để thu hút khách hàng.