Top 30 Under 30 Phan Hoàng Lan: Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phải hiểu và có tiền
Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ dù là công chức nhà nước nhưng lại khá nổi tiếng trong cộng đồng start-up Việt Nam. Vào đầu năm 2018, Hoàng Lan được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30 (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2018).
Hoàng Lan và cộng sự là tác giả của Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Có thể coi đây là đề án quốc gia đầu tiên về khởi nghiệp, đánh dấu sự vào cuộc của Chính phủ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Doanhnhanviet đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Lan để giúp cộng đồng khởi nghiệp hiểu hơn về những quy định liên quan tới hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện tại Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp hiện nay như thế nào?
Từ năm 2013, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ hỗ trợ để triển khai đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam – Vietnam Silicon Valley (gọi tắt là VSV). Nhờ đó, chúng tôi được tiếp cận với rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có mong muốn gọi vốn, tập huấn. Chương trình tập huấn diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 3 tháng. Và sau 3 tháng tập huấn đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp được tiếp cận với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Từ đó chúng tôi mới xây dựng được đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trình Chính phủ. Vì vậy, nhiều đề án hỗ trợ khởi nghiệp đã được Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, và tổ chức các sự kiện khởi nghiệp để những người quan tâm đến nghe và đóng góp ý kiến đưa ra những chính sách phù hợp.
Tại sao lại cần có những chính sách riêng biệt đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo?
Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo có đặc điểm là dễ rủi ro và khó đoán. Trong 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 9 doanh nghiệp sẽ “chết”. Mà điều quan trọng nhất là không ai biết trước được doanh nghiệp nào sẽ thành công. Vì vậy, người muốn đầu tư cho khởi nghiệp chắc chắn phải rất am hiểu thì mới có thể thành công được.
Hơn nữa, muốn đầu tư thì chắc chắn cần phải có nhiều tiền. Ví dụ như đầu tư cho một doanh nghiệp khởi nghiệp mất những khoản ban đầu ươm mầm khoảng 5.000-10.000 USD nhưng nếu chỉ đầu tư cho một doanh nghiệp thì việc bạn “chết” là rất cao nên bạn cần có đủ số tiền để đầu tư cho 10-20 doanh nghiệp thì mới đảm bảo thành công.
Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư nào cũng mong muốn có người chia sẻ rủi ro nên Chính phủ cần đưa ra những chính sách hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong đó có chính sách thuế, chính sách về đối ứng đầu tư từ nhà nước tới tư nhân.
Liệu có phải vì thế mà đa phần các quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những quỹ ngoại?
Điều này khá đúng vì các nhà đầu tư ngoại có nhiều kinh nghiệm về mặt đầu tư và họ có tiềm lực kinh tế rất lớn. Trong khi ở Việt Nam việc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn khá mới nên thường nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo vừa mới được ban hành vào ngày 11/03/2018. Đây là một chính sách rất mới nên cần có thời gian để các nhà đầu tư tiếp cận. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi thuế, đối ứng đầu tư và một số chính sách mới được bắt đầu. Như vậy, việc đầu tư cho khởi nghiệp ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, những chính sách này thúc đẩy thị trường khởi nghiệp của nước ta.
Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã ra mắt được hơn 5 tháng, tất nhiên là chưa thể nói trước được nhiều điều nhưng theo chị nó đã tác động như thế nào tới hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Theo tôi, để một Nghị định đi vào thực tiễn và có hiệu quả rõ rệt thì cần một khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 năm. Tuy nhiên, về mặt tinh thần hưởng ứng của nhà đầu tư thì chúng tôi cảm thấy rất rõ rằng khi nhìn thấy Việt Nam có những chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp thì các nhà đầu tư đã bắt đầu vào cuộc tìm hiểu. Còn kết quả như nào thì chúng ta phải chờ thêm một khoảng thời gian nữa.
Trong quá trình tiếp cận với doanh nghiệp khởi nghiệp, chị thấy khung chính sách của chúng ta cần thay đổi như thế nào để hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động khởi nghiệp?
Như tôi đã nói, chính sách đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất mới, và để hoàn thiện về khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì cần khoảng thời gian 2-3 năm nữa.
Ví dụ như là vấn đề tài trợ. Hiện nay, chúng ta tài trợ chủ yếu cho các khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển còn những khoản như tìm hiểu thị trường và vươn ra thế giới thì lại cho có. Hay như những công cụ đầu tư, mô hình đầu tư kiểu sàn giao dịch quản lý cộng đồng hay những sàn giống như IPO nhưng dành riêng cho khởi nghiệp cũng chưa có. Chính vì vậy, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu nhiều khung chính sách. Tuy vậy, các bộ, ngành cũng đang rất cần mẫn nghiên cứu, đề xuất cho Chính phủ xem xét các dự án và quyết định những chính sách mới.
Như chị nói thì hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhiều hơn. Vậy thì các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có cơ hội hay rủi ro nào khi tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài?
Toàn cầu hóa khởi nghiệp là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới vì không phải nước nào cũng có đủ nguồn lực để đầu tư nhiều cho khởi nghiệp.
Trên thế giới có hàng loạt thương vụ tỷ đô đầu tư cho khởi nghiệp, nguồn vốn như vậy ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam rất là khó có được nên việc thu hút đầu tư nước ngoài là điều không thể tránh khỏi và nên được khuyến khích.
Theo tôi, rủi ro ở đây chính là năng lực của doanh nghiệp khởi nghiệp và hệ thống chính sách đi kèm trong lĩnh vực này, cần có những chính sách tốt hơn cho việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Xin cảm ơn chị!