TPBank: Chi phí lãi ghì lợi nhuận quý II, dư nợ xấu tăng gần 3 lần so với đầu năm

Diên Vỹ 15:39 | 21/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong quý II/2023, TPBank báo lãi ròng giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.293 tỷ đồng; chủ yếu do chi phí lãi tăng mạnh trong bối cảnh lãi vay có xu hướng giảm và lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 2,21% từ mức chỉ 0,84% hồi đầu năm và 1,45% hồi kết thúc quý I.

 

Lợi nhuận quý II giảm tốc do chi phí lãi tăng vọt

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank  - mã: TPB) báo thu nhập lãi thuần trong quý chỉ đạt 2.729 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức 3.035 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm khoảng 10%.

Theo đó, trong quý II, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của nhà băng này tăng hơn 34% so với cùng kỳ lên 7.196 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí lãi và các chi phí tương tự lại tăng mạnh hơn (tăng gần 93%) lên 4.467 tỷ đồng, dẫn đến thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ.

Trong kỳ, TPBank cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng 18% lên 804 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều giảm với mức giảm lần lượt 9% và 48% xuống 163 tỷ đồng và 238 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng ghi nhận khoản lỗ thuần từ hoạt động khác gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi thuần 218 tỷ đồng.

Kết quả, trong quý II, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 3.917 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ.  Trong khi đó, chi phí hoạt động cũng tăng gần 10% lên 1.931 tỷ đồng, làm cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của TPBank trong quý II vừa qua chỉ đạt gần 1.987 tỷ đồng, giảm 29%. 

Dù đã giảm tới 43% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống chỉ còn 368 tỷ đồng, TPBank vẫn ghi nhận lãi trước thuế quý II giảm 25% so với cùng kỳ xuống 1.618 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.293 tỷ đồng, cũng giảm khoảng 25%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, TPBank báo thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 34% so với cùng kỳ lên 13.911 tỷ đồng. Tuy vậy, do mức tăng mạnh 87% của chi phí lãi và các chi phí tương tự, tổng thu nhập lãi thuần lũy kế 6 tháng tại TPBank chỉ đạt 5.466 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Cũng theo báo cáo tài chính của TPBank, mức tăng của chi phí lãi và các chi phí tương tự trong nửa đầu 2023 chủ yếu đến từ khoản trả lãi tiền gửi tăng 131% lên 6.796 tỷ đồng (từ mức chỉ 2.945 tỷ đồng trong nửa đầu 2022). Cùng đó, trả lãi tiền vay cũng tăng gấp đôi lên 857 tỷ đồng. 

 Chi phí lãi tăng vọt được TPBank cho là nguyên nhân chính khiến ngân hàng này báo thu nhập lãi thuần và lãi ròng giảm trong quý II cũng như nửa đầu 2023. Ảnh: BCTC TPBank quý II/2023.

Ngân hàng này lý giải rằng việc lãi vay có xu hướng giảm và lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức cao đã khiến chi phí lãi nửa đầu năm tăng mạnh, qua đó làm giảm thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng, khiến lãi ròng quý II và nửa đầu năm 2023 giảm tốc so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, TPBank báo lãi trước thuế 3.383 tỷ đồng và lãi ròng 2.706 tỷ đồng, cùng giảm gần 11% so với cùng kỳ.

Không riêng TPBank, trong số những nhà băng đã công bố BCTC quý II đến nay, hầu hết đều ghi nhận chi phí lãi tăng vọt trong bối cảnh lãi suất huy động nửa đầu năm ở mức cao. Gần đây nhất, hôm 20/7, báo cáo tài chính của LPBank cũng ghi nhận lãi trước thuế và lãi ròng cùng giảm mạnh 51% so với cùng kỳ. Tương tự TPBank, LPBank cũng lý giải rằng nguyên nhân chính khiến thu nhập lãi thuần cũng như lợi nhuận của ngân hàng giảm là do lãi suất đầu vào huy động tăng cao dẫn đến biên lãi ròng (NIM) bị ảnh hưởng.

Chất lượng tín dụng đi xuống, TPBank ghi nhận dư nợ xấu tăng 57% sau 1 quý

Cũng theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, tính đến 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng tại TPBank đạt 177.113 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Đáng chú ý, dư nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3, 4 và 5) tính đến 30/6/2023 tại ngân hàng này đã tăng lên 3.913 tỷ đồng từ mức 1.357 tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng tới 2,9 lần.

Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) ghi nhận tăng vọt 458% lên 2.147 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 142% lên 1.130 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 26% lên 636 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của TPBank tính đến 30/6/2023 cũng tăng lên 2,21% từ mức chỉ 0,84% vào đầu năm.

 Ảnh: BCTC TPBank quý II/2023

 Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC TPBank.

Trong bối cảnh dư nợ xấu ghi nhận tăng đáng kể, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại TPBank theo đó cũng tăng lên 2.383 tỷ đồng từ mức 1.833 tỷ đồng vào đầu năm, tức tăng 30%. Tỷ lệ bao nợ xấu dù vậy vẫn giảm so với đầu năm, đạt 61% (đầu năm ghi nhận tỷ lệ bao nợ xấu lên tới 135%).

Nếu so với thời điểm kết thúc quý I/2023, dư nợ xấu của TPBank tính đến 30/6/2023 cũng tăng lên đáng kể. Theo đó, tại ngày 31/3/2023, ngân hàng này ghi nhận dư nợ xấu 2.497 tỷ đồng, bao gồm 1.200 tỷ đồng nợ nhóm 3; 764 tỷ đồng nợ nhóm 4 và hơn 533 tỷ đồng nợ nhóm 5. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là khoảng 1,45%. Tỷ lệ bao nợ xấu khoảng 84%.

Như vậy, nếu so với thời điểm kết thúc quý I, chỉ sau một quý, dư nợ xấu tại TPBank đã ghi nhận tăng gần 57% (từ 2.497 tỷ đồng lên 3.913 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,45% lên 2,21%.

Về phía huy động, tính đến 30/6/2023, TPBank ghi nhận tiền gửi khách hàng đạt 200.998 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.