Trước KCN hơn 6.300 tỷ đồng, Vinaconex đã làm những dự án BĐS nào?

Đông Bắc 07:06 | 08/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã: VCG) mới được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) với tổng vốn 6.338,478 tỷ đồng. Thời gian qua, doanh nghiệp này đang phát triển mạnh mảng bất động sản.

Ngày 5/3, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Đông Anh, Hà Nội.

Theo đó, dự án có vị trí tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Dự án do Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 6.338 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 1.268 tỷ đồng.

 Vinaconex sẽ làm khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ đồng ở Đông Anh. Ảnh VNM.

Quy mô sử dụng đất của KCN này là 299,45 ha, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,35 ha... Đây là  dự án bất động sản khu công nghiệp lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của Vinaconex.

Ngoài dự án này, Vinaconex đang quản lý Khu công nghiệp công nghệ cao 2 Hòa Lạc với quy mô khoảng 277 ha. Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Vinaconex, dự án đạt tỷ lệ lấp đầy 33%. Vinaconex hiện đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng cơ bản tại khu vực này vào cuối năm 2024; qua đó, thúc đẩy gia tăng tỷ lệ lấp đầy tại đây.

Đối với dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội với quy mô 72,5ha, Vinaconex dự kiến sẽ triển khai trong quý IV/2024 và đưa vào khai thác giai đoạn 2025 - 2026.

Được biết, Vinaconex hiện đang đẩy mạnh triển khai loạt dự án bất động sản khu công nghiệp lẫn dân dụng và nghỉ dưỡng với tham vọng có thể đem lại biên lợi nhuận gộp cao vượt trội.

 Vinaconex đang quản lý Khu công nghiệp công nghệ cao 2 Hòa Lạc với quy mô khoảng 277 ha. Ảnh BĐS.

Bên cạnh đó, Vinaconex còn đầu tư đa dạng các phân khúc bất động sản dân dụng (khu dân cư, khu đô thị và chung cư) và bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tận dụng lợi thế vốn có trong lĩnh vực xây lắp.

Hiện quỹ đất phục vụ mục đích nhà ở và dân dụng của doanh nghiệp này đã lên đến 2.000 ha, tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh.

Phần lớn các dự án của Vinaconex đang trong quá trình triển khai, nổi bật là hai dự án Chung cư Green Diamond (Hà Nội) và một phần của dự án Amatina Cát Bà (Hải Phòng).

Đặc biệt, dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà (Cát Bà Amatina) đang trong quá trình hoàn thiện và vẫn còn nhiều vướng mắc. Dự án này chiếm phần lớn chi phí dang dở của Vinaconex (hơn 5.277 tỷ đồng trong tổng hơn 7.167 tỷ đồng).

Được biết, Cát Bà Amatina được Vinaconex lên ý tưởng triển khai từ năm 2005, khi doanh nghiệp đang ở thời kỳ hoàng kim và cũng là lúc thị trường bất động sản đang ở giai đoạn đầu "cơn sốt". Thời điểm đó, Vinaconex đã thành lập Ban quản lý dự án Khu đô thị Cái Giá - Cát Bà và công bố số vốn đầu tư vào dự án này lên đến gần 11.000 tỷ đồng (tương đương gần 750 triệu USD theo tỷ giá thời điểm bấy giờ). Đến năm 2008, "đại gia" ngành xây dựng quyết định góp vốn cùng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank và Công ty CP Chứng khoán Agribank thành lập Vinaconex ICT để phát triển Cát Bà Amatina.

Nhưng kể từ năm 2011, do đầu tư thiếu tập trung, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, cộng thêm việc thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động kinh doanh của Vinaconex ITC đã bị ảnh hưởng, khiến Cát Bà Amatina cũng "điêu đứng".

Tháng 10/2023, HĐQT Vinaconex ICT đã thông qua việc chấm dứt và thanh lý trước thời hạn hợp đồng hợp tác đầu tư Phân khu CT02 và Hạ tầng kết nối phân khu CT02 của dự án này.

Theo đó, Vinaconex ITC sẽ được nhận lại toàn bộ các tài sản đã thế chấp cho tổ chức tín dụng phát sinh từ thỏa thuận hợp đồng hợp tác đầu tư. Đồng thời, Vinaconex ITC phải hoàn trả lại cho Vinaconex số tiền 2.200 tỷ đồng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 30/9/2023. Đây là khoản tiền góp vốn của Vinaconex để Vinaconex ITC triển khai dự án trước đây. Do đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ảm đạm, tương lai của dự án Cát Bà Amatina vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra,  giữa 1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng Vinaconex và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó có việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, tập trung vào hai dự án Cầu Tứ Liên và Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Metro số 5).

Vinaconex cũng là nhà thầu trong nước duy nhất góp mặt trong 3/4 liên danh trúng thầu tại các gói thầu có giá trị lớn là 5.10, 4.6 và 3.4. của “siêu” dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.

 

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.705 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Tuy nhiên với việc giá vốn tăng mạnh lên 11.538 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty chỉ tăng 27% lên 1.167 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm 69% về còn 333 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí tài chính tăng đáng kể lên 107 tỷ đồng và 829 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế của VCG giảm 64% về còn 336 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 39% kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.