Ứng dụng công nghệ AI vào nông nghiệp: 'Bài toán cần lời giải là cả thời gian và tiềm lực vật chất'
Ứng dụng AI vào nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ
Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến, chúng được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.
Trí tuệ nhân tạo giúp năng suất được tăng lên, cây trồng khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm”.
Đáng chú ý, để thực hiện 8 định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số nông nghiệp, ông Hùng cho rằng cần phải giải quyết một số “nút thắt” như việc chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi; Hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; nguồn lực đầu tư manh mún,...
Trong các giải pháp đề xuất tháo gỡ, TS Trần Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Con người là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Ngoài ra, cần xây dựng, ban hành kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp, hoàn thiện các quy định liên quan đến chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng và nền tảng số; Củng cố an ninh mạng và nghiên cứu, hợp tác, đào tạo, chuyển giao công nghệ số.
Giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Tổng giám đốc CTCP ICheck - cho biết: “Chuyển đổi số sẽ giúp sản phẩm có thêm giá trị, tăng lợi thế trong quá trình đàm phán thương mại, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tôi nhận thấy những vấn đề lớn: Đầu tiên là chương trình hỗ trợ từ Nhà nước vẫn còn mang tính phong trào. Cùng với đó, nhóm đối tượng doanh nghiệp hoạt động dưới dạng hợp tác xã, có sự tham gia của nhiều nông dân còn nhiều hạn chế nhận thức về công nghệ nên việc áp dụng thực tế còn gặp khó khăn”.
Bên cạnh đó, giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao, nhất là trong thời điểm công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nói thêm về điều này, ông Chính cho biết: “Những sản phẩm đặc thù nông nghiệp giá trị không cao, do đó một thành phẩm nếu dán tem truy xuất 200 đồng đã là bài toán khó. Do đó, việc ứng dụng công nghệ AI sẽ là bài toán cần lời giải là cả thời gian và tiềm lực vật chất.
Với riêng doanh nghiệp, để giải quyết bài toán này, chúng tôi đã đơn giản hoá bằng cách kết hợp giữa 3 bên: Hợp tác xã - nông dân - đơn vị bao tiêu. Chính đơn vị này sẽ phụ trách chi phí và giám sát quá trình đúng theo các quy định".
"Dù chi phí cho AI sẽ khá lớn trong giai đoạn đầu, thế nhưng nếu được sử dụng đúng cách và tính toán kỹ lưỡng, các doanh nghiệp, nông dân có thể thu được lợi ích lớn từ việc áp dụng công nghệ trong sản xuất và quản lý" - đại diện doanh nghiệp khẳng định.