USD tăng giá bền bỉ, áp lực lên tỷ giá: Dự báo NHNN sắp tăng lãi suất điều hành

Diên Vỹ 11:41 | 15/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dựa trên kịch bản cơ sở FED có thể tăng lãi suất thêm 3 đợt nữa từ nay đến cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD khi đồng USD tiếp đà mạnh lên, ACBS cho rằng NHNN khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới.

USD mạnh lên, “bộ đệm” nào cho các thị trường mới nổi?‏

‏Những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhằm kiềm chế lạm phát tăng nóng kỷ lục đang kéo theo hàng loạt tác động, trong đó dễ thấy nhất là việc đồng USD mạnh lên bền bỉ. Điều này không chỉ tác động đến hàng loạt nền kinh tế mới nổi, mà một số nhà kinh tế đã bắt đầu cảnh báo về hệ lụy với chính nước Mỹ.‏

‏“FED đang tiến hành một làn sóng thắt chính sách tiền tệ mạnh mẽ bậc nhất trong lịch sử, và đồng USD đã tăng giá mạnh mẽ kể từ giữa năm 2021 đến nay. Việc FED kiên trì các nỗ lực thắt chặt và đồng USD tiếp tục mạnh lên có thể mang tới rắc rối cho các nền kinh tế đang phát triển và những thị trường mới nổi, khi gánh nặng nợ thanh toán bằng đồng bạc xanh trở nên to lớn hơn”, trích nhận định của ông Maurice Obstfeld, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley và công sự Haonan Zhou, nghiên cứu sinh Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Princeton, trong một bài báo nghiên cứu gần đây.‏

‏Các tín hiệu nguy hiểm đang ngày một cận kề, nhóm này cảnh báo.

 Chỉ số dollar Index duy trì đà tăng từ giữa năm 2021 đến nay và hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2002. (Nguồn: MarketWatch)

Ở thời điểm hiện tại, chỉ số dollar Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ đã lên tới mức cao nhất kể từ năm 2002. So với đồng Yen Nhật (JPY), đồng USD tuần qua có thời điểm mạnh nhất kể từ năm 1998 với tỷ giá khoảng 144 JPY đổi 1 USD. Còn so với bảng Anh, đồng USD hiện cũng đang ở mức mạnh nhất trong khoảng 35 năm.‏

‏Maurice Obstfeld, một cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và cộng sự Haonan Zhou lưu ý rằng hơn 80% tổng nợ phải trả nước ngoài của các thị trường mới nổi được tính bằng ngoại tệ, chủ yếu là đồng USD. Do đó, việc đồng USD bền bỉ mạnh lên đã tạo ra một rủi ro khác cho các nền kinh tế này. ‏

‏“Bản thân đồng USD mạnh lên không chỉ dẫn đến các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn thông qua việc làm suy yếu bảng cân đối của các quốc gia gánh nợ, mà tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường thế giới do đó có thể tiếp tục đẩy đồng USD lên cao hơn nữa khi nhà đầu tư tìm kiếm một bến đỗ an toàn”, nhóm này viết. Phản ứng như vậy có thể phản ánh mối tương quan tiêu cực ngày càng nhân lên giữa sức mạnh đồng USD và tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển hay thị trường mới nổi. ‏

‏Tuy nhiên, cũng theo ông Obstfeld, các nền kinh tế này có thể tăng cường sức chống chịu trước hiện tượng đồng USD mạnh lên dai dẳng bằng cách kiểm soát các khoản nợ bằng đồng USD, điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt và đảm bảo các ngân hàng trung ương của họ có dư địa và khả năng kiềm chế lạm phát. ‏

‏Thực tế, một số ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã bắt đầu nâng lãi suất từ năm 2021, ngay sau động thái dẫn đường của FED và một số nền kinh tế tiên tiến. Theo nhóm của ông Obstfeld, động thái như vậy có thể tạo thành một “bộ đệm” cho các quốc gia này trước việc đồng USD liên tục mạnh lên, nhưng ngược lại cũng có nguy cơ làm chậm đà tăng trưởng trong nước.‏

‏Sức ép lên VND và khả năng NHNN nâng lãi suất điều hành‏

‏Tại Việt Nam, báo cáo triển vọng vĩ mô cập nhật đến hết tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng tỷ giá hối đoái danh nghĩa của VND so với USD tương đối ổn định, nhưng khi bám theo USD mạnh lên, VND cũng tăng giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại khác, bao gồm EURO (EUR) và Nhân dân tệ (CNY).‏

‏Các chuyên gia WB cho rằng với xu hướng tăng lãi suất của FED, có vẻ như đã có áp lực giảm giá đang gia tăng lên VND. ‏

‏Cũng tương tự quan điểm này, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo việc FED tiếp tục tăng lãi suất và rủi ro suy thoái toàn cầu tăng làm đẩy nhanh dòng tiền trú ẩn vào đồng USD là hai yếu tố quan trọng sẽ thúc đẩy giá trị đồng bạc xanh trong thời gian tới. Theo đó, nhóm nghiên cứu dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.400 đồng đổi 1 USD tính đến cuối năm 2022, và NHNN vẫn còn dư địa điều tiết tỷ giá dựa trên dự trữ ngoại hối vẫn lành mạnh.‏

‏Còn trong báo cáo triển vọng thị trường tháng 9 mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 8 với tỷ giá trung tâm đóng cửa tháng tăng nhẹ lên 23.219 VND (+0,19%). Tỷ giá bình quân các ngân hàng lên 23.451 VND (+0,46%) trước áp lực gia tăng từ việc đồng USD mạnh lên sau khi FED tăng lãi suất trong các cuộc họp gần đây và hàm ý sẽ tiếp tục mạnh tay siết chính sách tiền tệ chừng nào kiểm soát được lạm phát.‏

‏ACBS ước tính NHNN‏‏ đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, qua đó đưa dự trữ ngoại hối hiện tại xuống mức 89 tỷ USD, tương đương tỷ lệ bao phủ nhập khẩu giảm xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.‏

‏Đồng thời, NHNN sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD.‏

‏Theo đó, ACBS nâng nhẹ kỳ vọng rằng lãi suất điều hành của NHNN tăng dần trong khoảng 0,5 - 0,75 điểm phần trăm từ đây cho tới cuối năm 2022.‏

 

Nguồn: ACBS