Vẫn còn gánh nặng thuế quan và tỷ giá, mảng thuỷ sản dẫn dắt tăng trưởng của PAN trong quý II

Trang Mai 15:57 | 25/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế và sức ép tỷ giá, lĩnh vực thủy sản tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng của Tập đoàn PAN trong quý II/2025, trong khi mảng nông nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức. Tuy vậy, PAN vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng quý cao nhất từ trước đến nay, kỳ vọng bứt tốc trong nửa cuối năm nhờ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa khởi sắc.

Theo BCTC hợp nhất quý II, doanh thu thuần của Tập đoàn PAN trong quý đạt 4.064 tỷ đồng, tăng 20,5% so với quý II/2024. Tập đoàn PAN cho biết, lĩnh vực thủy sản đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng quý này. Mảng tôm của Sao Ta tăng trưởng doanh số 50%, mảng cá tra (Aquatex Bentre) tăng 12%. Mảng thực phẩm đóng gói tăng nhẹ với bánh kẹo tăng 7%, hạt điều 18% và nước mắm 13%.

Lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều thách thức trong quý II/2025 khi các chính sách mới về thuế gây ảnh hưởng tới sức mua và thay đổi hành vi mua hàng từ hệ thống đại lý, đồng thời giá nông sản giảm mạnh (sầu riêng, lúa,…) cũng tạo tác động tiêu cực tới hoạt động bán hàng. Trong quý II/2025, mảng giống cây trồng và gạo đạt tăng trưởng 7%, trong khi mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 6% về doanh số.

Bên cạnh đó, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt 74% lên 211 tỷ đồng; chủ yếu tăng nhờ lãi tiền gửi, trái phiếu, lãi cho vay.

Sau khi trừ các chi phí, quý II/2025 Tập đoàn PAN báo lãi 264 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

 Một số chỉ tiêu kinh doanh của PAN. Ảnh: Mai Trang tổng hợp. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt 8184 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, tương đương 47% kế hoạch năm. Lợi nhuận ròng đạt gần 248 tỷ đồng, tăng 40% và thực hiện được 37% mục tiêu năm. Đây là mức cao nhất PAN từng ghi nhận trong nửa đầu năm.

PAN cho biết 6 tháng đầu năm thường là giai đoạn thấp điểm, các mảng nông nghiệp, thực phẩm và thủy sản được kỳ vọng bứt tốc từ quý III khi bước vào cao điểm mùa vụ và tiêu dùng cuối năm.

Tại ĐHĐCĐ 2025 tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo PAN đánh giá năm 2025 sẽ là giai đoạn đầy thách thức với nhiều biến số khó lường, đặc biệt là với các hoạt động xuất khẩu. Lạm phát và lãi suất tại Mỹ có thể duy trì ở mức cao, gây áp lực lên tỷ giá và chi phí tài chính trong nước, trong khi thị trường nội địa vẫn phục hồi chậm dù được hỗ trợ bởi các chính sách kích cầu của Chính phủ. Dù vậy, ở kịch bản tích cực, PAN kỳ vọng thị trường xuất khẩu và nội địa sẽ thuận lợi hơn, các chính sách thuế của Mỹ không ảnh hưởng trọng yếu, từ đó mở ra cơ hội tăng trưởng vượt kế hoạch.

Theo lãnh đạo, việc Mỹ áp thuế đối ứng chủ yếu tác động lên ngành tôm. Tuy nhiên “chúng tôi đã triển khai các chiến lược tìm kiếm và phát triển các thị trường thay thế, đồng thời tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như châu Âu và Trung Đông. Đặc biệt, đối với các sản phẩm chế biến sâu, các nhà mua hàng của chúng tôi đã chấp nhận trả thuế khi mua theo điều kiện FOB từ Việt Nam, vì vậy những sản phẩm này không bị ảnh hưởng bởi thuế", ‏‏Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng nói. 

Về tình hình tài chính, tính đến cuối tháng 6/2025, tổng tài sản PAN đạt gần 20.729 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Nguyên nhân chính là khoản chứng khoán kinh doanh (chứng chỉ tiền gửi) giảm 43% còn 5.604 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng còn 2.700 tỷ đồng (giảm 8%), trong khi hàng tồn kho tăng mạnh 39% lên hơn 4.307 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 21% còn 11.769 tỷ đồng. Vay ngắn hạn chiếm 77% tổng nợ, còn 9.047 tỷ đồng (giảm 21%). Vay dài hạn chỉ còn 112 tỷ đồng, giảm 46% so với đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PAN đang giao dịch quanh vùng giá 33.500 đồng/cp, mức cao nhất kể từ đầu năm 2022. Riêng tháng qua, mã này tăng 23%.

 Ảnh: TradingView.