VCBS nhận định triển vọng ngành điện 2023: Điện than 'lên ngôi', thuỷ điện gặp khó khi nhiều hồ về gần mực nước chết
KQKD ngành điện quý I: Thuỷ điện phân hoá, nhiệt điện "buồn" vì đầu vào tăng cao
Trong quý I/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,8 tỷ kWh, giảm nhẹ 1,65% so với cùng kỳ do sự chậm lại của các hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng (chiếm 54% tiêu thụ điện toàn quốc). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm 2,3% so với cùng kỳ 2022.
Trong cơ cấu sản lượng điện, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45%, xếp thứ 2 là thuỷ điện với 25%, năng lượng tái tạo 17% và nhiệt điện khí 12%.
Giá điện trên thị trường cạnh tranh (giá CGM) bình quân đạt 1.689 đồng/kWh, tăng 11% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện là than và khí đốt vẫn tiếp tục duy trì ở mức nền cao. (Giá than nhập khẩu về Việt Nam hiện ở mức khoảng 180 USD/tấn).
Trong kết quả kinh doanh quý I, nhóm doanh nghiệp thuỷ điện có sự phân hoá. Đứng đầu nhóm tăng trưởng lợi nhuận là Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã: VSH) với mức tăng 18% so với cùng kỳ lên gần 477 tỷ đồng; Thủy điện A Vương (mã: AVC) tăng 57%, đạt hơn 155 tỷ đồng; Thủy điện Miền Trung (mã: CHP), đạt gần 108 tỷ đồng; Thủy điện Sông Ba (mã: SBA) tăng lãi 15%, đạt 51,5 tỷ đồng.
Với nhóm giảm lãi, dẫn đầu là Đại Trường Thành Holdings (mã: DTE). Doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy thủy điện này dù báo doanh thu tăng trưởng 58%, đạt 93 tỷ đồng, nhưng đánh rơi gần như toàn bộ lợi nhuận khi lãi ròng chỉ khoảng 200 triệu đồng.
Thủy điện Miền Nam (mã: SHP) ghi nhận mất 39% doanh thu (còn 84 tỷ đồng), trong khi lãi ròng hụt tới 75%, chỉ còn 15,3 tỷ đồng trong quý I. Một số doanh nghiệp nhóm thủy điện khác như Sông Ba Hạ (mã: SBH), Xuân Minh (mã: XMP), Nậm Mu (mã: HJS), hay Cần Đơn (mã: SJD)… cũng đều ghi nhận doanh số sụt giảm, lợi nhuận rơi trên 30%. Nguyên nhân được phía các doanh nghiệp đưa ra là vì lưu lượng nước về hồ trong kỳ thấp, dẫn đến sản lượng điện thấp, doanh thu sụt giảm.
Với nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than, tình hình không lạc quan hơn khi nhiều cái tên lớn ghi nhận lãi giảm mạnh, đa phần vì nguyên nhân giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Như tại Nhiệt điện Quảng Ninh (mã: QTP) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 15% trong quý I, nhưng lãi sau thuế chỉ gần 144 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ. Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC) cũng báo doanh thu ghi nhận tăng nhưng lợi nhuận chỉ bằng nửa so với quý I/2022, đạt 50 tỷ đồng. Nhiệt điện Ninh Bình (mã: NBP) thậm chí còn tăng lỗ với khoản lỗ ròng 4,9 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, lý do của NBP là vì quý I/2023 không có sản lượng điện phát do chưa có giá bán điện và chưa ký được hợp đồng mua bán điện.
Với các doanh nghiệp nhiệt điện khí, VCBS phân tích rằng nhóm đơn vị này có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I do các nhà máy điện khí chủ yếu nằm ngay trung tâm phụ tải ở phía Nam nên được phân bổ sản lượng hợp đồng cao và giá khí đầu vào tại 2 nhà máy giảm nhẹ giúp cạnh tranh tốt hơn trên thị trường điện.
Nhiệt điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát
Chứng khoán VCBS cho rằng sản lượng điện thương phẩm sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2023 (thấp hơn mức 9,1% trong QHĐ VIII và tương đương mức sản lượng 251,28 tỷ kWh theo kế hoạch vận hành thị trường điện năm 2023 của ERAV (Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương)).
Theo bộ phận phân tích, sản lượng điện sẽ tăng trưởng chậm do các hoạt động sản xuất công nghiệp chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong quý I, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện năng chỉ tăng trưởng nhẹ hoặc sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như: chế tạo kim loại giảm 5,4%, sản xuất xi măng giảm 9,6%, sản xuất hóa chất giảm 0,5%. Các khó khăn trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa được khơi thông ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng cũng là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ điện trong quý I.
Với thuỷ điện, hiện mực nước tại các hồ thủy điện đều thấp hơn mức cùng kỳ năm trước và giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Mực nước tại một số hồ thủy điện đã tiệm cận mực nước chết như: Thác Bà, Sơn La, Trị An và Thác Mơ. Lưu lượng nước về hồ thấp ảnh hưởng đến khả năng tích nước và sản lượng của các nhà máy thủy điện trong nửa cuối năm 2023.
Trong nhiệt điện, VCBS cho rằng giá than nhiệt toàn cầu sẽ tiếp tục neo cao trong nửa cuối năm 2023 đến từ nhu cầu cao để phục vụ cho sản xuất điện từ Ấn Độ và các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á, trong khi nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện (EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga và nguồn cung tại Australia chỉ vừa hồi phục).
Theo QHĐ VIII, chỉ thực hiện tiếp các dự án nhiệt điện than có trong QHĐ VII điều chỉnh và đang được đầu tư xây dựng đến năm 2030, tổng công suất dự kiến 30.127 MW. Sau năm 2030, sẽ chuyển 1 phần các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng nguồn nhiên liệu sinh khối. Đến năm 2050 sẽ chuyển toàn bộ các nhà máy điện than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than.
Sau năm 2030, sẽ chuyển 1 phần các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng nguồn nhiên liệu sinh khối. Đến năm 2050 sẽ chuyển toàn bộ các nhà máy điện than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than. Do đó, mặc dù trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát nhưng trong dài hạn triển vọng sẽ bị ảnh hưởng do không còn được phát triển và vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nhóm nguồn phát khác.
Phát biểu giải trình tại hội trường Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực tế ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí, sinh khối và thủy điện cũng được xem là nguồn điện nền; ở một số nước còn có cả điện hạt nhân. “Bởi vậy, dù nguồn điện này có đắt hơn, phát thải carbon có nhiều hơn, nhưng trong ngắn hạn, chúng ta chưa có nguồn hoặc giải pháp khác thay thế thì điện chạy bằng than, dầu, khí vẫn được duy trì và huy động để bảo đảm an toàn hệ thống điện”- tư lệnh ngành Công Thương chia sẻ.
Nhiệt điện khí LNG dự kiến sẽ được đẩy mạnh phát triển đến năm 2030 với tổng công suất hơn 22.400 MW trước khi chuyển dần sang nguồn điện hydro nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu LNG.
Các loại hình năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối sẽ tiếp tục được đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn 2020-2030 nhằm hướng đến cam kết giảm phát thải ròng của chính phủ vào năm 2050. Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm năng lượng tái tạo, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2023-2050, đặc biệt là sau năm 2030.
Đề cập đến lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, điện gió, điện mặt trời phát triển khá mạnh ở nước ta do nhu cầu điện năng tăng nhanh và cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước khá hấp dẫn. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió và mặt trời.
“Tuy nhiên, có một số nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư khá lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Kỳ vọng nửa cuối năm
Chu kỳ La Nina chính thức kết thúc vào tháng 2, và chu kỳ El Nino được dự báo bắt đầu từ tháng 5 với xác suất hơn 80%. Chu kỳ El Nino thường kéo dài với thời gian trung bình hơn 10 tháng nên sản lượng nhiệt điện được kỳ vọng sẽ được huy động cao cho đến năm 2024.
Phân tích tiềm năng và triển vọng cho các doanh nghiệp ngành điện năm nay, Chứng khoán VNDirect nhìn nhận nhiệt điện than nội tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi nhờ giá đầu vào thấp hơn và nhu cầu tăng cao tại khu vực này trong 2023. Trong 2023-2024, công ty chứng khoán này kỳ vọng sản lượng điện than sẽ dần cải thiện 8-12% so với cùng kỳ từ mức huy động thấp năm 2022.
Các nhà máy điện sử dụng chủ yếu than nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn như QTP, HND và PPD do miền Bắc ghi nhận mức tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước do tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn và đang phát triển rất nhanh. Ngoài ra, Trung tâm Khí hậu Thủy văn Quốc gia cũng dự báo về một mùa hè nắng nóng hơn với nhiệt độ tăng khoảng 0,5°C so với trung bình nhiều năm, kéo nhu cầu đột biến trong mùa hè.
Ngoài ra, mức tăng trưởng công suất khiêm tốn trong năm 2023 là cơ hội để các nhà máy điện đang vận hành hấp thụ một mức huy động tốt hơn, đặc biệt tại các khu vực có khả năng thiếu điện cao như miền Bắc.
Cuối cùng, VNDirect cho rằng mặt bằng giá than trong nước ổn định là lợi thế lớn cho các nhà máy nhiệt điện than nội địa trong bối cảnh giá than thế giới tăng cao. Hơn nữa, các nhà máy than miền Bắc thường ghi nhận chi phí vận chuyển thấp hơn với nguồn đầu vào được đảm bảo do vị trí gần mỏ than.
Về phía VCBS, công ty chứng khoán này nhìn nhận dù hưởng lợi từ chu kỳ El Nino, nhưng sản lượng huy động tổng thể của các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ bị ảnh hưởng từ mức sụt giảm chung của phụ tải trong năm nay. Nhìn chung, các cổ phiếu nhiệt điện than đều thể hiện khá tốt và vẫn còn cơ hội đi tiếp trong thời gian tới.