Ngành điện thừa công suất nhưng vẫn thiếu điện, nên để giá theo cơ chế thị trường
Liên quan đến việc cung cấp điện cho năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng nguồn điện của Việt Nam không thiếu, song vấn đề điều tiết, phân phối điện còn những điểm bất hợp lý.
Tại tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 – Những vấn đề cấp bách đặt ra”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc đưa ra bất cập tại thị trường Việt Nam là "thừa công suất nhưng vẫn thiếu điện”.
Ông cho hay Việt Nam có tổng công suất đạt là 80 GW, tuy nhiên công suất hữu dụng tại nhiều thời điểm bị thiếu do có khoảng 25 GW là điện mặt trời và điện gió, từ 18h trở đi, hai loại năng lượng tái tạo sẽ hao hụt khoảng 20 GW do không chạy được.
“80 GW là công suất đạt, còn công suất hữu dụng, có thể sử dụng được chắc chắn ở nhiều thời điểm chúng ta thiếu. Đó là sự thật, thừa công suất nhưng vẫn thiếu điện”, đại diện Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết.
Theo ông, nguồn điện được đưa vào sử dụng không đúng kỳ vọng và kịch bản quy hoạch điện. Nếu như không có đợt thiếu điện vào giữa năm 2023, không biết khi nào nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được vận hành thương mại.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng 80 GW là công suất lắp đặt, không phải công suất hoạt động thực tế, tình huống thiếu điện xảy ra do thiếu nguồn điện nền.
Trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng trong mọi tình huống. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gấp rút xây dựng đường dây truyền tải 500 kV mạch 3, kỳ vọng có thể đưa một phần điện dư thừa từ miền Trung ra miền Bắc.
Bên cạnh đó, chuỗi dự án điện khí Lô B-Ô Môn sắp được triển khai cũng được kỳ vọng hỗ trợ thêm nguồn mới.
Tuy nhiên, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng việc thực hiện hai dự án lớn không có nghĩa cung ứng điện có thể đảm bảo, đặc biệt trong ngắn hạn vào năm 2024.
"Nếu chúng ta kỳ vọng ngay hai dự án kia để giải quyết bài toán thiếu điện của năm 2024 thì e rằng có thể dẫn tới những rủi ro nhất định trong đảm bảo an ninh cung cấp điện", vị chuyên gia này cảnh báo.
Do vậy, ông cho rằng nguồn điện có thể huy động nhanh nhất là năng lượng tái tạo, do vậy cần phải xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển giá điện ở khu vực miền Bắc.
“Trong bối cảnh miền Bắc có nguy cơ thiếu điện, cùng với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo định hướng rải đều phần nguồn điện, có nên chăng, chúng ta cần cơ chế hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc, giảm bớt tổn thất và đáp ứng phần nào nguồn điện”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nói.
Bên cạnh đó, cũng cần phải cải thiện chất lượng nguồn điện chạy nền như nhiệt điện. Các nhà máy cần có chế độ bảo dưỡng, bảo hành đầy đủ để kế hoạch khai thác không bị vỡ như năm 2023. Công tác dự báo cũng cần chuẩn chỉ hơn để bảo đảm khai thác hài hòa nguồn thủy điện và nhiệt điện.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để đưa điện về Việt Nam.
Liên quan đến yếu tố giá thành điện, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng nên trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ thay vì được quy định như hiện nay. "Chỉ khi ngành điện phát triển bền vững mới có thể đáp ứng mục tiêu kinh tế và an sinh xã hội", ông nói.