Thủ tướng: Dứt khoát không để thiếu điện khi tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Hà Nội), trực tuyến tới điểm cầu 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà đường dây đi qua (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và điểm cầu 63 công ty điện lực trong cả nước.
Kỳ tích trong đầu tư xây dựng
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được EVN giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, 513 khoảng néo, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và các năm tiếp theo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành đóng điện các Dự án đường dây 500 kV mạch 3 sau hơn 6 tháng thi công thay vì 3-4 năm như thông thường.
Việc hoàn thành dự án với khối lượng công việc khổng lồ, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương và nhiều hộ dân, trong khoảng thời gian ngắn lịch sử để lại nhiều bài học quý cho không chỉ trong ngành điện lực, mà cho các công trình, dự án lớn của đất nước trong thời gian tới, nhất là trong thực hiện thủ tục đầu tư; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; giải phóng mặt bằng; mua sắm vật tư, thiết bị; huy động phương tiện, lực lượng, tổ chức thi công…
Trong đó, thời gian lập và trình duyệt chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ gần 5 tháng - đây là thời gian ngắn kỷ lục so với các dự án có quy mô tương tự và thời gian đã rút ngắn được từ 1,5-2 năm. Dự án trải dài trên 9 tỉnh, có diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 183 ha, 5.248 hộ dân và 96 tổ chức, đạt tiến độ kỷ lục góp phần vào sự thành công của các dự án.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cho rằng để lập nên "kỳ tích" trong đầu tư xây dựng hạ tầng như kể trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân địa phương; công tác công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, sáng tạo; huy động và sự cố gắng nỗ lực, chung sức, chung lòng của tất cả hệ thống chính trị, các lực lượng tham gia xây dựng, cũng như công tác dân vận, tuyên truyền; đặc biết là sự bám sát, quyết liệt, kịp thời trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án…
Phát huy thành công của Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3, tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm của ngành điện lực năm 2025, với nội dung thực hiện "3 tiên phong, 2 trách nhiệm", nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Ngành điện phải có những công trình thế kỷ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự trưởng thành, lớn mạnh hơn của EVN và cả ngành điện trong năm 2024, đặc biệt đã bảo đảm cung ứng đủ điện với nhu cầu cao hơn (với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng trên 7%) mà không có sự cố, nhất là so với năm 2023 khi tăng trưởng GDP không cao lắm nhưng vẫn để xảy ra thiếu điện cục bộ.
Cùng với đó, qua việc triển khai đường dây 500 kV mạch 3 và bảo đảm đủ cung ứng điện, hình ảnh người thợ điện nói chung được nâng cao trong lòng nhân dân; giá trị văn hóa, thành tựu của ngành điện được khẳng định hơn.
Qua nhiều công việc của năm 2024, nhất là trong thực hiện đường dây 500 kV với ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn nhân dân trong vùng dự án, cán bộ, công chức, viên chức, kỹ sư, công nhân, người lao động ngành điện; cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị 9 tỉnh, 43 huyện, 211 xã đã phát huy cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; cảm ơn lực lượng công an, quân đội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, cựu chiến binh, nông dân) đã tích cực vào cuộc; các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã vào cuộc, tạo động lực, truyền cảm hứng, khí thế cho ngành điện và cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, tiến độ là rất quan trọng; còn chất lượng dự án đã được kiểm chứng khi qua cơn bão Yagi (bão số 3) vừa qua, đường dây 500 kV vẫn hiên ngang; đồng thời không đội giá, góp phần chống tiêu cực và lãng phí.
Sắp tới, Thủ tướng đề nghị EVN và các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt các công việc còn lại như hoàn nguyên môi trường, thanh quyết toán, chăm lo đời sống người dân bị ảnh hưởng, công tác khen thưởng.
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, để đáp ứng tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những thập kỷ tới, tăng trưởng điện sẽ còn cao hơn nữa, bởi một điểm phần trăm tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện. Do đó, ngành điện phải có những đột phá, những công trình thế kỷ, những dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái và dứt khoát không để thiếu điện.
Đây là mục tiêu khó, nhưng khó mấy cũng phải làm, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu EVN cùng ngành điện phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sự bản lĩnh, kiên cường, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; phát huy sức mạnh của ngành điện và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để bảo đảm các khâu gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện hiệu quả, giá điện phù hợp với doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác, huy động sức mạnh từ người dân và xã hội; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý ngành điện và EVN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật vào ngành điện, mà trước hết cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh kiên cường, hình ảnh của người thợ điện trong lòng nhân dân. Tiếp tục phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt các chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, trong đó có những chính sách đặc thù nhưng cần hài hòa, hợp lý với các ngành, lĩnh vực khác./.