Vì sao trường đua ngựa Sóc Sơn triển khai chưa như mong đợi?

Đông Bắc 14:25 | 31/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch Tập đoàn Charmvit (chủ đầu tư Trường đua ngựa Sóc Sơn) đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và mong muốn sớm được tháo gỡ vướng mắc để triển khai dự án.

Chiều 30/8, ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Chủ tịch tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) Lee Dae Bong.

Theo đó, ông Lee đề cập đến dự án Trường đua ngựa tại Sóc Sơn, kỳ vọng phía thành phố quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện, giải quyết các vướng mắc để tập đoàn có thể sớm triển khai trong thời gian tới.

Chủ tịch Tập đoàn Charmvit cho biết, đây là dự án trọng điểm tập đoàn tập trung để đầu tư triển khai tại Hà Nội. Ông khẳng định dự án một khi hoàn thiện sẽ góp phần vào phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô cũng như đem lại nguồn thu, đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển Hà Nội.

Vị này mong muốn, thông qua UBND TP, sẽ sớm có kiến nghị lên Chính phủ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Về vấn đề này, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, TP Hà Nội sẽ nỗ lực trở thành cầu nối thống nhất các cơ chế vận hành cũng như tài chính để triển khai các dự án xây dựng lớn trên địa bàn được triển khai theo đúng quy định, sớm có hiệu quả.

 Vị trí xây dựng Trường đua ngựa tại xã Tân Minh và Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Ảnh DN. 

Liên quan đến Trường đua ngựa Sóc Sơn, tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội vào ngày 28/7, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn kiến nghị thành phố báo cáo Chính phủ có chính sách để dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn sớm được triển khai thực hiện.

Trước đó, hồi tháng 6, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo với Thủ tướng về việc sử dụng đất để thực hiện dự án này. Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, UBND TP Hà Nội cho biết, sau hơn 3 năm cấp phép đầu tư, dự án tổ hợp giải trí, thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng) chưa thể triển khai do nhiều vướng mắc trong giao, cho thuê đất.

Nhà đầu tư dự án tổ hợp này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên theo Luật Đất đai 2013, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân. Nhà đầu tư dự án này chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.

Tức là, để thực hiện được dự án cần phải có doanh nghiệp trong nước nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân xã Tân Minh và Phù Linh (Sóc Sơn), rồi góp vốn bằng quyền này vào doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, quy mô dự án này rất lớn, tới 125 ha, việc nhận chuyển nhượng qua doanh nghiệp trong nước sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, với phần diện tích đất do UBND xã quản lý nằm trong ranh giới thực hiện dự án, nếu đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, cũng phải đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này dẫn tới khó triển khai thực hiện.

Mặt khác, dự án này gồm nhiều mục đích sử dụng khác nhau (trường đua ngựa, trung tâm thương mại, khách sạn...) nên theo Luật Đất đai 2013 chưa đủ cơ sở áp dụng thu hồi đất, không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Hiện cũng không có đủ cơ sở, điều kiện để xác định dự án thuộc trường hợp là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị không có nhà ở để áp dụng thu hồi đất theo quy định.

 

Năm 2019, Bộ KH&ĐT có tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.

Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào vận hành hạng mục trường đua từ năm 2021. Vốn đầu tư dự án khoảng 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư gần 350 triệu USD. Hai nhà đầu tư là Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn thực hiện dự án.

Dự kiến, dự án tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp, trong khi các hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí) dự tính thu hút khoảng 20.000- 25.000 lao động.

Đến năm 2020, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn như công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)...

Tháng 6/2021, UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn hiện chưa triển khai do vướng mắc về việc góp vốn, về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Do đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đề xuất phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ.