Vietcombank dự kiến chia cổ tức 18,1% bằng cổ phiếu, mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 30.600 tỷ
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, tài liệu cho biết Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 8% so với năm 2021, tức lên mức hơn 1.527.800 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021, tức tối thiểu đạt 30.675 tỷ đồng. Ngoài ra, giữ mức tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Vietcombank cho thấy trong năm 2021, tổng tài sản ngân hàng đạt 1.414.673 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19%. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 12%. Tỷ lệ huy động vốn cũng tăng trưởng 9%, vượt nhẹ so với kế hoạch đặt ra.
Kết thúc năm tài chính 2021, Vietcombank cũng là ngân hàng có giá trị vốn hóa cao nhất trong số các nhà băng niêm yết trên thị trường Việt Nam.
Về kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, Vietcombank trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020 cho các cổ đông tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của ngân hàng.
Hiện tại, Vietcombank có hơn 4,73 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Theo kế hoạch, ngân hàng muốn phát thêm 856,59 triệu cổ phiếu, tương đương 18,1% số cổ phiếu đang lưu hành. Điều này có nghĩa là một cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu VCB sẽ được nhận thêm 181 cổ phiếu mới.
Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 8.566 tỷ đồng để đạt mốc 55.891 tỷ đồng. Nguồn tiền tăng vốn được dùng đến từ lợi nhuận năm 2019 (sau thuế, sau trích lập các quỹ, chia cổ tức tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu) và lợi nhuận còn lại năm 2020 (sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt).
Trước đó vào 23/12/2021, Vietcombank cũng đã hoàn tất việc chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, qua đó tăng vốn điều lệ của nhà băng này lên hơn 47,3 nghìn tỷ đồng. Dẫu vậy, Vietcombank cho biết con số này vẫn còn rất khiêm tốn và thấp hơn gần 10.800 tỷ đồng so với phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tương ứng cho năm 2020.
Bên cạnh đó, ngân hàng cho rằng "việc tăng quy mô vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để Vietcombank mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động".
Trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng dự kiến sẽ tăng lên, qua đó khiến hệ số CAR (tỷ lệ vốn của ngân hàng so với tài sản có trọng số rủi ro và nợ ngắn hạn của ngân hàng) giảm xuống. Tính đến cuối năm ngoái, hệ số CAR của Vietcombank là 9,4%, hơn một chút so với mức tối thiểu quy định (8%) và thấp hơn nhiều so với các ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước.
Ngoài ra, chiến lược của Chính phủ về phát triển ngành ngân hàng đặt mục tiêu Việt Nam có 3-5 ngân hàng niêm yết trên thị sàn chứng khoán nước ngoài đến năm 2025. Do đó, việc tăng vốn điều lệ là "vô cùng cần thiết để hướng tới niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài", trích tài liệu trình cổ đông của HĐQT ngân hàng Vietcombank.