VNDirect chỉ ra 'miếng bánh ngon' cho doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo
Điểm nhấn ngành điện 10 tháng đầu năm
Theo EVN, tổng sản lượng điện tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9, tương ứng lần lượt 10,7% và 16,9% từ mức nền thấp 2021, giúp sản lượng toàn quốc trong 10 tháng tăng 6,3% so với cùng kỳ (svck), đạt 204,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng GDP, đồng thời thấp hơn mức tăng trưởng dự báo trong dự thảo quy hoạch điện (QHĐ) VIII.
Chứng khoán VNDirect nhận định thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do năm nay thời tiết ghi nhận trạng thái khá bất thường với lượng mưa dày và nhiệt độ mát hơn trung bình nhiều năm, trái ngược với mùa nắng nóng năm 2021. Thứ hai, một số ngành công nghiệp thâm dụng điện ghi nhận mức giảm sản lượng mạnh như sắt, thép do nhu cầu giảm, chủ yếu từ bức tranh ảm đạm của bất động sản.
Trong dự thảo QHĐ VIII mới nhất, các chính sách đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo (NLTT). Chuyên gia giữ vững quan điểm mảng điện này sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam ở cả ngắn và dài hạn.
Tăng trưởng nhu cầu điện mạnh mẽ mở ra cơ hội của năng lượng tái tạo và sân chơi mới cho doanh nghiệp trong ngành
VNDirect cho rằng nhu cầu điện Việt Nam sẽ ghi nhận một mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2030, do dự báo GDP tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong kịch bản phụ tải cao, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng kép 9,2% trong 2022-2030.
"Khi Quy hoạch điện VIII được chính thức ban hành, văn bản này sẽ tạo tiền đề cho chính sách giá NLTT chạy theo. Chúng tôi cho rằng đây là hai văn bản đóng vai trò quan trọng, mở ra một sân chơi mới cho các doanh nghiệp trong ngành trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện Việt Nam", VNDirect đánh giá.
Bản dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất vào tháng 11/2022 đã tập trung tối đa vào điện gió với mức tăng trưởng kép cao nhất đạt 16% trong 2022-2045; tiếp tục loại bỏ 6.800MW điện than ra khỏi quy hoạch và dự kiến không tiếp tục phát triển điện khí sau 2035 đồng thời phải chuyển dần sang đốt kèm hydrogen. Mảng điện này sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2022-2050.
Việc các doanh nghiệp quy mô nhỏ đã không còn tham gia chạy đua, cộng thêm các chính sách mới được ban hành được nhận định sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh hơn. “Trong đó, những doanh nghiệp có lợi thế về quy mô, khả năng đàm phán giá và khả năng tiếp cận với dòng vốn lớn sẽ nắm trong tay những yếu tố quyết định để mở rộng danh mục và sở hữu “miếng bánh” lớn hơn trong ngành” - nhóm chuyên gia VNDirect nhận định.
Ngoài ra, bản dự thảo mới đề xuất chỉ tiếp tục phát triển 726MW công suất điện mặt trời (ĐMT) trang trại đã hoàn thành xây dựng hoặc pháp lý, đồng thời khuyến khích tiếp tục phát triển điện mặt trời áp mái cho nhu cầu tự dùng, không bán lên lưới.
ĐMT mái nhà cho mục đích tự sử dụng và không bán lên lưới. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang làm việc với các bên liên quan để xây dựng một khung chính sách tiếp tục phát triển các dự án này.
Với điện than, theo VNDirect, trong giai đoạn 2023-2024, việc giá than nhập tiếp tục neo cao sẽ là cản trở chính cho tăng trưởng mảng này. Tuy nhiên, áp lực sẽ nhẹ nhàng hơn đối với các doanh nghiệp than nội địa tại miền Bắc, do giá điện thấp hơn cũng như những dự báo về nhu cầu điện tăng cao trong các năm tới tại khu vực này.
Do vậy, trong ngắn hạn, điện than vẫn đóng vai trò rất quan trọng, và là một nguồn điện chạy nền đáng tin cậy với giá rẻ để đảm bảo tính an toàn của hệ thống trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước ta từ nay đến 2030.
Trong khi đó, nhóm phân tích này dự báo thủy điện sẽ đóng góp một mức sản lượng thấp hơn từ 2023-2024, tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác. Ở khía cạnh giá bán điện bình quân, việc đẩy khung giá huy động của nhiệt điện sẽ đồng thời tạo điều kiện để nguồn thủy điện được huy động với mức giá cao hơn trên thị trường điện cạnh tranh trong các năm tới.
Đặc biệt, VNDirect nhận định xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng ngành NLTT sau giai đoạn giá FIT. Rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng NLTT tại Việt Nam, và hàng loạt các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Philippines như BCPG, Bgrimm hay AC Energy đã tiếp cận thị trường trong nước thông qua nhiều hình thức đầu tư linh hoạt, bao gồm việc M&A các dự án đã vận hành cũng như thành lập liên danh với các đối tác nội địa để phát triển dự án mới.
Khi bức tranh ngành điện đang dần rõ nét hơn, tập trung phát triển NLTT, VNDirect cho rằng xu hướng M&A sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các năm tới. Tính cạnh tranh trong giai đoạn này sẽ tăng cao với nhiều thành phần nhà đầu tư đến từ nhiều nơi trên thế giới, do đó, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng chạy đua cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ sắp tới.
Tại Chương trình Đối thoại Quốc gia chuyển dịch năng lượng bền vững, quản trị, tài chính và công nghệ, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Những đề án này bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đảm đảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho đất nước với chi phí hợp lý và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; phát triển ngành điện nhanh và bền vững; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới…; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải bằng ”0” vào năm 2050.