VNDirect: Kỳ vọng GDP Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa cuối năm 2023

Trang Mai 14:20 | 21/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đạt kết quả tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thời gian cuối năm, những giải pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã" gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu sẽ càng cần được chú trọng.

Trong báo triển vọng kinh tế Việt Nam  vừa công bố, Chứng khoán VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ (+/- 0,3 điểm %) trong nửa cuối năm 2023 (so với mức tăng khiêm tốn 3,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023), từ đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5,5% (+/- 0,2 điểm %). Đơn vị này kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,9% (+/- 0,3 điểm %) trong năm 2024. 

Trong quý III, VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,4% (+/- 0,3 điểm %), cải thiện hơn so với mức tăng 4,1% trong quý trước. 

Các yếu tố hỗ trợ chính đến từ Chính phủ thực hiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng; Lãi suất cho vay thấp hơn giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân và đơn hàng xuất khẩu nông sản và hàng hóa công nghiệp của Việt Nam có khả năng phục hồi đáng kể từ quý IV tới. 

Rủi ro đối với dự phóng đến từ một số lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến; Chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá và tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Sự phục hồi các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nhờ kinh tế khởi sắc

Lĩnh vực  công nghiệp của Việt Nam duy trì sự phục hồi nhẹ trong tháng 8, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,6% so với cùng kỳ. Mức tăng này của tháng 8 vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình thường của chỉ số này trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19 (mức tăng trưởng bình thường hàng năm là khoảng 7-9%). Cùng với đó, chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng lên mức 50,5 điểm trong tháng 8 sau chuỗi 5 tháng liên tiếp tụt xuống dưới mốc 50 điểm. 

S&P Global Market Intelligence (đơn vị cung cấp chỉ số PMI) đã chỉ ra một số điểm nổi bật của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8, gồm số lượng đơn đặt hàng mới cho sản xuất và đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 6 tháng qua. Cùng đó, sản lượng sản xuất cũng phục hồi trở lại trong tháng 8, kết thúc 5 tháng sụt giảm liên tiếp trước đó. Trong tháng 8, số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng đã giúp thúc đẩy hoạt động mua hàng. Báo cáo cho biết đây là lần gia tăng hoạt động mua hàng đầu tiên trong 6 tháng qua. Đây được coi là mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022. Ngoài ra, sự cải thiện tạm thời trong nhu cầu đã giúp tăng niềm tin kinh doanh. Sự lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới là cao nhất trong 5 tháng qua, nhưng vẫn ở dưới mức trung bình của chỉ số do vẫn còn những lo ngại về nhu cầu còn yếu.

Một số hoạt động công nghiệp đã chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ trong tháng 8. Bên cạnh đó, một số hoạt động công nghiệp vẫn tiếp tục bị thu hẹp trong tháng 8 như hoạt động khai thác dầu thô và khí tự nhiên và hoạt động sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

 Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

VNDirect kỳ vọng sự phục hồi của ngành sản xuất Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ triển vọng hạ nhiệt lạm phát ở các nền kinh tế phát triển trong những tháng cuối năm 2023 sẽ giúp củng cố niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường này. Do đó, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm 2023 nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi và hoạt động tích trữ hàng tồn kho trở lại ở các nền kinh tế phát triển. 

Ngoài ra, nhu cầu trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng tới nhờ tác động tích cực từ chính sách mở rộng tài khóa (giảm thuế & phí, tăng lương cơ bản,...) và sự phục hồi của cho vay tiêu dùng trong bối cảnh lãi suất giảm. 

Trong lĩnh vực dịch vụ, sự tiếp tục cải thiện trong tiêu dùng nội địa và sự gia tăng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã củng cố thêm cho tăng trưởng của ngành. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ, mức tăng này cải thiện so với mức tăng 6,9% của tháng 7. Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 10%. 

Xét về nhóm ngành, hoạt động du lịch và lữ hành vẫn duy trì tăng trưởng mạnh khi doanh thu trong tháng 8 đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 21,3%. Ngoài ra, doanh thu mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng có mức tăng trưởng khá khi doanh thu tháng 8 đạt 58.700 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh số bán lẻ đạt 400.000 tỷ đồng trong tháng 8. 

Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng cao trong tháng 8, khi Việt Nam đón khoảng 1,22 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 2,5 lần tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 7,8 triệu lượt, cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 69% so với mức trước đại dịch. 

 

Kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng tốc phục hồi trong những tháng cuối năm 2023

Xuất khẩu  tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi trong tháng 8. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 9% so với tháng trước lên 32,8 tỷ USD. 

VNDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực hơn so với kỳ vọng, lượng hàng tồn kho và áp lực lạm phát giảm bớt ở các nước phát triển sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và chu kỳ thay thế điện thoại thông minh cũ bằng điện thoại mới là khoảng 25,3 tháng (theo China Mobile Terminal Lab), sẽ thúc đẩy xuất khẩu điện thoại của Việt Nam từ quý IV.

Thêm vào đó, đã có những tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI. Nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch đầu tư các dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi các doanh nghiệp này kỳ vọng về sự phục hồi trong nhu cầu của các thị trường phát triển nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát và giảm tồn kho. Đây là các động lực chính thúc đẩy sự cải thiện đáng kể của vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong hai tháng gần đây. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân trong tháng 8 đạt 1,5 tỷ USD, nâng vốn FDI 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD.

 

Đầu tư công tăng tốc để đạt kế hoạch tham vọng của năm 2023

Theo Tổng cục thống kê, đầu tư công trong tháng 8 đã tăng 29% lên 61.300 tỷ đồng. Luỹ kế 8 tháng đạt 352.100 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch cả năm 2023. VNDirect kỳ vọng Chính phủ sẽ quyết liệt hơn trong đầu tư công để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (kế hoạch Quốc hội là 711.684 tỷ đồng). 

 

Hiện tại, một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong những tháng tới đến từ việc nợ công thấp tạo dự địa mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng trong những năm qua, từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn 38% vào cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP.

Thêm đó, lợi suất trái phiếu (TPCP) Chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 31/8, trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm lần lượt 2,9 và 2,2 điểm % so với đầu năm 2023, xuống mức 1,8% và 2,6%. 

Cuối cùng, lạm phát trong nước được kiểm soát. Lạm phát bình quân giảm xuống mức 2,4% so với cùng kỳ trong quý II từ mức 4,2% trong quý I. VNDirect dự báo lạm phát bình quân tăng 2,8% quý III và CPI bình quân năm 2023 của Việt Nam ở mức 3,3% (+/-0,2 điểm %), qua đó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm nay của Chính phủ. Khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, Chính phủ có thể xem xét mở rộng thêm chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

OECD hạ dự báo GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 4,9% và tăng lên 5,9% vào 2024

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, ông Alexander BÖHMER, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết Đông Nam Á (Asean) là khu vực có sự phát triển năng động, có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022. Dự báo mức tăng trưởng chung của ASEAN đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.

Nhận định thận trọng hơn, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay hạ xuống 4,9% và tăng lên 5,9% vào năm 2024.

Tuy nhiên, OECD đánh giá tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực năm của Việt Nam đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài. 

Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động, ông Alexander BÖHMER nhấn mạnh.