World Bank và loạt tổ chức kinh tế dự báo ra sao về tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay?

Thùy Dung 11:26 | 13/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam mới cập nhật ngày 13/3/2023, nhóm phân tích từ ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) nhận định trong kịch bản cơ sở, với những khó khăn trong nước và ngoài nước, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2023 trước khi lên mức 6,5% trong năm 2024-2025.

Trước đó, trong quý cuối cùng của năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã gây sức ép lên hoạt động của nền kinh tế, qua đó tác động đến thị trường lao động nói chung.

Theo đó, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thặng dư 6,7 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2022, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 9% trong tháng 11 (so cùng kỳ năm trước) và 14% trong tháng 12/2022 (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu yếu đi ở Hoa Kỳ và EU. Nhìn chung, WB  lý giải tăng trưởng thương mại có xu hướng chững lại vào nửa cuối năm 2022 do tình hình kinh tế xấu đi và yếu tố bất định tăng lên tại một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc.

Những dự báo ảm đạm về nhu cầu cùng thực trạng lượng đơn hàng xuất khẩu giảm nhanh chóng tác động đến sản xuất, làm cho chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 12/2022 của Việt Nam xuống mức 46,4 điểm. Trước đó, tháng 11/2022, PMI của Việt Nam cũng chỉ đạt 47,4 điểm, tức nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.

Trong bối cảnh ngành sản xuất đối diện nhiều thách thức về cuối năm, số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng cho thấy tốc độ phục hồi thị trường lao động bắt đầu chậm lại trong quý IV/2022 mặc dù số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục tăng so với quý III/2022 và cùng kỳ 2021. 

 Biểu đồ doanh số bán lẻ và chỉ số PMI sản xuất đều cho thấy những sự giảm tốc vào các tháng cuối năm. Nguồn: WB

Tuy nhiên, một phần nhờ vào hiệu ứng xuất phát điểm thấp của năm 2021, cũng như tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi sau COVID-19 và kết quả vững chắc của các hoạt động chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm; Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn tốc độ tăng bình quân 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. 

Cụ thể, WB chỉ ra rằng tiêu dùng tư nhân đóng góp khoảng 4,3 điểm phần trăm cho tăng trưởng năm 2022, so với 1,1 điểm phần trăm trong năm 2021, tương đương với mức đóng góp thời kỳ trước COVID-19. Xuất khẩu ròng đóng góp 2,7 điểm phần trăm cho tăng trưởng, chủ yếu nhờ xuất khẩu đạt kết quả tốt trong ba quý đầu năm. Đầu tư đóng góp 2 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế. Do giải ngân đầu tư công ở mức thấp, đầu tư của tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành động lực chính đóng góp cho tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó giải ngân vốn FDI năm 2022 đạt trên 22,4 tỷ USD, so với 19,7 tỷ USD năm 2021, đạt mức cao nhất về giải ngân FDI kể từ năm 2018. 

 Tăng trưởng GDP của một số quốc gia năm 2022. Nguồn: WB

Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Nguồn: WB

Dự báo cho năm 2023, các chuyên gia từ WB cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam  năm nay có thể đạt khoảng 6,3% trong khi lạm phát bình quân lên mức khoảng 4,5%.

Dự báo này dựa trên giả định rằng mặc dù lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi trong năm nay (chủ yếu nhờ du khách Trung Quốc dần quay lại với đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam trước đại dịch), tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau COVID-19 yếu đi. 

Cùng đó, nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát dự kiến cao hơn so với 2022. 

Về thương mại, trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định. Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, qua đó đem lại tác động tích cực cho xuất khẩu. 

Tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Trung Quốc) đều được phục hồi. Cùng với đó, lạm phát bình quân năm 2024-2025 cũng được dự báo lần lượt hạ nhiệt về 3,5% và 3,0%.

Các tổ chức kinh tế khác dự phóng ra sao về tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay?

 

 

 

 

Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật tháng 1/2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam được dự báo nằm trong số 15 quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới và cao hàng đầu khu vực ASEAN trong năm 2023. Cụ thể, IMF cho rằng năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2%, bằng với Campuchia và lần lượt là hai quốc gia xếp lần lượt là 13 và 14 trên BXH tăng trưởng GDP của thế giới năm nay.  

Đồng quan điểm với WB, tại  báo cáo Kinh tế Việt Nam với tựa đề "Exports Rebound and Retail Sales Ease in Feb As Seasonal Effects Unwind", tạm dịch "Xuất khẩu hồi phục và doanh số bán lẻ tăng khi hiệu ứng theo mùa giảm" phát hành cuối tháng 2/2023, các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,3% cho năm 2023 và ước tính tăng trưởng riêng quý I ở mức 4,8%. 

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) ra ngày 14/12/2022 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,3%.

Còn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 công bố ngày 12/1/2023 cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản 1 - được cho là kịch bản khả thi hơn, GDP Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng 6,47%, gần sát với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đề ra. Ở kịch bản 2, với điều kiện kinh tế thế giới lạc quan hơn và nếu Việt Nam tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,83%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ. 

Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2022 và triển vọng 2023 do UOB phát hành đầu năm nay thì duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của nước ta ở mức 6,6%.

Trong một kịch bản hết sức lạc quan, bộ phận phân tích tại Ngân hàng Standard Chartered nhận định Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023; đi kèm dự báo lạm phát năm 2023 tăng khoảng 6%; cán cân thương mại có thể được cải thiện. Nhận định này được  ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm: "Triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam" ngày 28/2.