Xây dựng thương hiệu nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản

10:40 | 29/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trước bối cảnh xây dựng thương hiệu là yếu tố “sống còn” cho nông sản thực phẩm Việt Nam, Bộ Công Thương đã luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản nước nhà, vừa góp phần khẳng định tầm vóc của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm

Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội ngành hàng liên quan và doanh nghiệp triển khai Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam (Foods of ViệtNam), trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới các mặt hàng: Lương thực, Rau quả, Thủy sản, Chè, Hạt tiêu, Hạt điều, Cà phê, Dừa và Mật ong.

Trong khuôn khổ của Chương trình, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của ngành thực phẩm Việt Nam và video clip quảng bá Thương hiệu ngành Thực phẩm Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản - ảnh 1
 Xây dựng thương hiệu nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, Cục XTTM cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, quảng bá hình ảnh Thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế như: Bio Fach (Đức); Anuga (Đức), Sial (Pháp), Seafood Expo Global (Bỉ), Seoul Food (Hàn Quốc), Hội chợ quốc tế thủy sản Boston (Hoa Kỳ), Fancy Food (Hoa Kỳ), Private Label (Hoa Kỳ), Gulf Food (Dubai), Foodex (Nhật Bản)... giúp tăng cường nhận thức và quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Cùng với đó, trong giai đoạn từ năm 2010 – 2019, Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ 250 đề án nông sản với tổng kinh phí 287,38 tỷ đồng, chiếm trung bình khoảng 34-35% tổng kinh phí cho cả chương trình hàng năm. Các đề án này tập trung hỗ trợ XTTM mở rộng thị trường cho các nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động như: thông tin thương mại, truyền thông quảng bá; tổ chức các Hội chợ định hướng xuất khẩu tại Việt Nam, tham gia Hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn ra và đoàn vào; Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại… Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp Việt từng bước khai thác các cơ hội từ các thị trường đã có FTA, củng cố và tăng cường sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản Việt vượt qua thách thức
Xây dựng thương hiệu nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản - ảnh 2
 Hình ảnh về Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) năm 2020.
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua hình thức trực tuyến. Cụ thể, từ ngày 26 – 27/5/2020, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam). 21 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống … đã tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại hội nghị.
Ngay sau sự kiện với Vân Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tổ chức hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến khác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc như Quảng Tây, Sơn Đông, Thanh Hải, Trùng Khánh, Chiết Giang… để hỗ trợ quảng bá thương hiệu ngành nông sản thực phẩm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi xuất khẩu do dịch COVID-19 gây ra.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương chú trọng thực hiện các biện pháp theo hướng triển khai hoạt động XTTM có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiến trình hội nhập từng thời kỳ; tiếp tục phối hợp với các Bộ/ Ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu; chú trọng công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản Foods of Vietnam.