Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?

Minh Quang 15:44 | 11/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.

Chuyển dịch sang tín dụng bán buôn 

Tín dụng mảng doanh nghiệp đang cho thấy sức mạnh của mình khi trở thành động lực tăng trưởng tín dụng chính trong năm 2023 tại nhiều ngân hàng, đặc biệt trong quý cuối năm. Và trong những tháng đầu năm 2024, tín dụng của các ngân hàng tiếp tục có sự chuyển dịch từ bán lẻ (tín dụng khách hàng cá nhân) sang tín dụng bán buôn (khách hàng doanh nghiệp).

Theo số liệu từ 15 ngân hàng công bố thuyết minh chi tiết, tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ trong tổng cho vay khách hàng của nhóm nhà băng này đã giảm 1,9 điểm %, xuống 40,7%.

Trong đó, có tới 9/15 ngân hàng báo cáo số dư tín dụng bán lẻ giảm so với cuối năm 2023, duy nhất có PGBank ghi nhận tỷ trọng tín dụng dư nợ bán lẻ tăng 0,8 điểm % so với cuối năm ngoái.

Cần lưu ý rằng nhóm khảo sát trên không bao gồm các ngân hàng thuộc nhóm Big4 và một số ông lớn cổ phần như ACB, Sacombank. Tuy nhiên, những con số này vẫn đủ để cho thấy sự tiếp nối xu hướng đã ghi nhận trong năm 2023: tăng trưởng tín dụng nhóm khách hàng doanh nghiệp đang thuận lợi hơn.

 

Trong giai đoạn từ 2023 trở về trước, tín dụng khách hàng bán lẻ ghi nhận xu hướng tăng trưởng nhanh chóng, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay của các ngân hàng. Từ mức chỉ 33%, tương đương khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào năm 2016, dư nợ với khách hàng cá nhân tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng lên 4 triệu tỷ đồng, hay 47% danh mục cho vay.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tín dụng khách hàng doanh nghiệp đã lấn lướt, khiến tỷ trọng cho vay nhóm khách hàng bán lẻ tụt xuống chỉ còn 44%, tương đương 4,5 triệu tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong năm 2023 là 11%, trong khi nhóm bán buôn tăng 23,7%.

Ngay cả các ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ như VPBank, VIB cũng ghi nhận dư nợ bán lẻ đi xuống trong cả năm 2023 và kéo dài sang quý đầu năm 2024. Chẳng hạn, sau khi đạt đỉnh 89,6% vào cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ của VIB liên tục giảm, xuống 84,4% vào cuối 2023 và 84% vào cuối quý I/2024.

Một nhà băng mạnh về bán lẻ khác là VPBank cũng ghi nhận tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ ở mức 59% vào cuối năm 2022. Nhưng sau đó, tỷ lệ này giảm còn 51,7% vào cuối 2023 và 49,6% vào cuối quý I/2024. HIện nay, VPBank đang cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn cả khách hàng cá nhân.

Đồng thời, xu hướng giảm tỷ trọng cho vay cá nhân diễn ra ngân hàng mẹ và ngân hàng hợp nhất, cho thấy khẩu vị tín dụng của VPBank đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong năm 2023.

Phần gạch mờ là cách ngân hàng niêm yết khác.

Thay đổi chiến lược khách hàng

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, rủi ro, cầu tiêu dùng còn hạn chế, các ngân hàng cũng tự tìm cách để mở rộng tệp khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mình. Không chỉ tập trung vào các mảng thế mạnh bấy lâu, nhiều ngân hàng đã trực tiếp tiến vào hoặc lên kế hoạch mở rộng sang các mảng mới.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ 2024), Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay hoạt động tín dụng bán buôn luôn là yếu tố hỗ trợ để ngân hàng đạt được mục tiêu. Đặc biệt, trong "bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng mua nhà BĐS gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu", ông nói.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế và về lâu dài, Vietcombank vẫn cho tín dụng bán lẻ là chiến lược quan trọng.

"Trong năm 2024, Vietcombank sẽ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, tài chính tốt dự án trọng điểm quốc gia, trọng yếu kinh tế", ông Tùng tiết lộ thêm về kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong năm 2024.

Trong một diễn biến khác, chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ lại là mục tiêu của MB trong thời gian tới. Chia sẻ bên lề ĐHĐCĐ 2024, Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh cho biết MB trong các năm vừa qua đều tập trung vào chuyển dịch sang bán lẻ. Ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ bán lẻ năm nay sẽ chiếm trên 50% tổng dư nợ.

"Mảng bán lẻ tương đối an toàn và phù hợp với chiến lược phát triển của MB do chúng tôi có lượng khách hàng rất lớn trên các nền tảng", ông Ánh nhận định.

Trong năm 2023, nhờ vào hệ sinh thái của mình, MB đã nâng số lượng khách hàng lên 26,5 triệu và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 30 triệu khách hàng, một con số cao trong nhóm ngân hàng cổ phần.

Trong khi đó, tại Techcombank, ngân hàng có tỷ trọng lớn cho vay tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tốt để tránh rủi ro, cũng đưa ra định hướng thực hiện đa dạng hoá rủi ro tín dụng, mở rộng các mảng mà trước đó ngân hàng không tập trung.

TIN LIÊN QUAN CEO Techcombank chia sẻ lý do tập trung tín dụng DN và thời điểm chuyển dịch sang bán lẻ 24/04/2024 - 07:31

"Lý do Techcombank vẫn tiếp tục tập trung vào tín dụng doanh nghiệp vào năm ngoái là bởi rủi ro thấp do dòng tiền của các tập đoàn lớn ổn định hơn. Đồng thời, khẩu vị đầu tư của những doanh nghiệp này cũng mạnh mẽ hơn và có nhiều khả năng tận dụng cơ hội", Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner chia sẻ.

Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, đa dạng hoá danh mục tín dụng được chọn làm một trong ba định hướng trọng tâm phát triển của ngân hàng trong năm 2024. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng sẽ từng bước phát triển các phân khúc không phải thế mạnh của Techcombank như SME, khách hàng mass và tín dụng tiêu dùng.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm nay, Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết ngân hàng sẽ đặt mục tiêu trọng tâm tăng trưởng ở phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và SME, đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc FDI được đánh giá là nhiều tiềm năng.

"Trước đây, VPBank là ngân hàng bán lẻ, tập trung vào SME thì giờ với SMBC, VPBank thành ngân hàng đa năng, không chỉ tập trung vào SME mà cả doanh nghiệp lớn", ông Vinh cho biết.

VPBank đang có xu hướng mở rộng sang nhóm khác hàng là các công ty cổ phần khác trong quý đầu năm 2024.

Ban lãnh đạo của VPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mảng khách hàng FDI đạt gấp đôi số lượng khách hàng, gấp 4 lần quy mô tín dụng và huy động. "Phân khúc FDI sẽ trở thành một trong những phân khúc lớn của VPBank", ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ vừa qua, Tổng Giám đốc ACB, ông Từ Tiến phát cho biết ngân hàng đang có hướng phát triển mảng doanh nghiệp lớn và vừa.

"Nhiều năm qua, ACB cũng dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ với gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, nếu ACB khai thác tốt sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhờ còn nhiều dự địa và cao hơn bình quân các năm trước đây", ông nói.

Trong khi đó, ông lớn BIDV lại chọn cách tiếp cận dàn trải, tập trung nguồn lực cho tất cả các phân khúc khách hàng.

Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, đối với các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng lớn gần như ngân hàng nào cũng cạnh tranh ở tất cả các phân khúc: Khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài, SME, khách hàng cá nhân. "Không có ngân hàng nào chỉ làm khách hàng cá nhân trừ các công ty tài chính", ông khẳng định.