Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi từ triển vọng tăng giá trong năm 2023

Trang Mai 08:21 | 01/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những tháng cuối năm 2022, biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng và năng suất lúa gạo, thêm vào đó, một quốc gia xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung. Trong khi đó, điều kiện sản xuất lương thực của Việt Nam thời gian qua tương đối thuận lợi và có sản lượng dồi dào. Cục diện đó cho thấy, trong những tháng cuối năm và cả năm 2023, đầu ra của sản phẩm gạo Việt Nam vẫn rất lạc quan, cùng với đó là triển vọng tăng giá trong những năm tới.

BỨC TRANH SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU LÚA GẠO TRONG 2022

Có một thực tế rằng sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta vẫn ổn định trong thời gian qua, thậm chí giá trị đã tăng nhẹ, thế nhưng diện tích trồng lúa đang có sự giảm sút. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 47,1 triệu tấn. Sản lượng lúa đạt trên 42,7 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn so với 2021.

 Sản lượng lúa cả nước năm 2022. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, có 2 nguyên nhân dẫn tới sản lượng lúa gạo trong năm 2022 giảm, một là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang cây trồng khác và thứ hai là ảnh hưởng từ khí hậu cùng các thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên, nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và còn đóng góp vào xuất khẩu. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhận định: “Với 42,7 triệu tấn thóc thu hoạch trong năm 2022, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo an ninh lương thực trong nước, ngoài ra còn xuất khẩu được hơn 7 triệu tấn gạo. Trong điều kiện khó khăn về dịch bệnh, thời tiết, khí hậu mà chúng ta đạt được kết quả này là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. 

Việc giảm sản lượng cũng đảm bảo theo xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống biến đổi khí hậu và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn”. 

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2022 ước đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến hết tháng 12, nước ta xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn (cao nhất trong những năm gần đây). Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm. Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột Nga – Ukraine. 

 Ảnh:  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan. Đồ hoạ: TTXVN

Những tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới

Một sự kiện nổi bật trong quý III/2022 vừa qua là việc Ấn Độ, quốc gia chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và đang cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar, đã hạn chế xuất khẩu gạo tấm, đồng thời đánh thuế 20% đối với các giống gạo khác (trừ gạo Basmati và gạo đồ) từ ngày 9/9/2022. Báo chí nước này dẫn nguồn các chuyên gia, ước tính sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể sụt giảm 4 - 5 triệu tấn trong năm tài chính 2022 - 2023. 

Ngay sau thông tin này, nhiều dự báo cho rằng giá gạo sẽ tăng cao và một số doanh nghiệp xuất gạo của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Thực tế chứng minh rằng, kỳ vọng giá gạo tăng cao đã được ghi nhận trong tháng 11/2022.

Theo đó, đến hết tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 438 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Giá gạo tăng do các thương nhân kỳ vọng nguồn cung giảm trong bối cảnh nhu cầu tăng vào cuối năm. Nhu cầu từ các khách hàng châu Âu nhiều hơn, đặc biệt là đối với các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm và các thị trường trọng điểm như Philippines và Trung Quốc.

Trong tháng 12, giá gạo tăng nhẹ do giá xuất khẩu ổn định ở mức cao cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm. 

Theo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp công bố ngày 22/11, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi đã khiến nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục tăng. Hiện Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nguồn cung trong nước của Philippines đang ở mức thấp do tồn kho cho năm 2023 khá thấp và sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru.

Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh) có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-2023. 

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu tiêu thụ gạo có chiều hướng gia tăng, do đó nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, VNDirect cho biết đang thấy sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.

Theo quan điểm của Chứng khoán VNDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. 

Theo phân tích, các chuyên gia cho rằng CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là Châu Âu và Trung Quốc.

Trong khi đó, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Kinh doanh gạo là mảng kinh doanh chính của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu.

Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Theo quan điểm của Vndirect, tỷ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn.

Hầu hết các đơn hàng xuất khẩu đều được thanh toán bằng đồng USD, do đó biến động tỷ giá USD sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đặc thù của ngành gạo là đơn hàng ký kết theo tháng, do đó với những doanh nghiệp nào đã giao hàng rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng.

Tuy nhiên, đối với những đơn hàng chưa giao thì khách hàng sẽ e ngại, vì tránh tác động USD tăng họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn khác. Bên cạnh đó, LTG đang có khoản nợ ngắn hạn 69 triệu USD (chiếm 49,5% tổng nợ ngắn hạn). Do đó, chi phí tài chính của LTG sẽ tăng trong bối cảnh tỷ giá hối đoái tăng. 

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành gạo ngày 27/9, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo giá gạo sẽ chịu áp lực tăng lên trong niên vụ 2022-2023 (đến giữa năm 2023). Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai nước hưởng lợi chính. Tuy nhiên, Thái Lan dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều hơn Việt Nam do đồng Baht Thái đã mất giá mạnh nhất 15 năm so với USD, tạo sức cạnh tranh về giá.

Yuanta dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ tăng. Sản lượng sản xuất tích cực trong niên vụ 2022-2023 nhờ thuận lợi về thời tiết. Các vùng trọng điểm lúa nước không bị các khó khăn hạn hán hay mưa bão.

Phát huy vai trò và cầu nối của doanh nghiệp

Nói về cơ hội xuất khẩu gạo của nước ta trong thời gian tới, ông Nguyễn Như Cường nhận định: “Thứ nhất, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch và cho phép nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Việc này có ý nghĩa rất lớn bởi đây vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của nước ta. 

Thứ hai, một số nước đã tăng lượng mua để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực trước những tình hình bất ổn của thế giới và biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Thứ ba là tác động của chính sách xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ. Hiện nay Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 20 triệu tấn gạo mỗi năm, chỉ một động thái nhỏ của nước này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến thị trường lúa gạo thế giới và cụ thể là Châu Á. Việc đánh thuế và hạn chế xuất khẩu của nước này là một động thái khá tích cực với Việt Nam”.

Căn cứ vào tình hình thị trường, về phía Cục trồng trọt, ông Cường nhấn mạnh những nhiệm vụ cần làm ngay: “Có những điều chỉnh và xây dựng kế hoạch tổng thể về sản xuất lúa trong năm 2023. Trong đó xác định cơ cấu về thời vụ để đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu. Thứ hai là đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Thứ ba là điều chỉnh tái cơ cấu về chất lượng giống để phù hợp với yêu cầu của từng thị trường”. 

Về phía doanh nghiệp, Cục trưởng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo phân phối hài hòa lợi ích, lợi nhuận trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Bởi đến thời điểm hiện tại, nông dân vẫn bị thiệt thòi trong chuỗi dù là người sản xuất. Do đó, doanh nghiệp phải tập trung liên kết hợp đồng, bao tiêu, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và sản xuất với người nông dân. 

Bên cạnh đó, với sự nhanh nhạy về thị trường, doanh nghiệp cần có những thông tin phản hồi lại cho các cơ quan quản lý nhà nước, ví dụ như Cục Trồng trọt về nhu cầu, về thị hiếu của các nước xuất khẩu, để Cục có những điều chỉnh, chỉ đạo phù hợp. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải căn cứ vào những thông tin diễn biến thị trường như tại Ấn Độ, xu hướng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, Thái Lan để có định hướng, chiến lược trong điều tiết lượng xuất khẩu hợp lý”. 

Đánh giá về triển vọng tăng giá gạo xuất khẩu trong năm sau, ông Cường cho biết: “Về cơ bản, từ năm 2023 trở đi thì kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều biến động, nhất là những căng thẳng chính trị, xung đột Ukraine - Nga vẫn chưa có điểm kết. Bên cạnh đó, tình hình thị trường, thời tiết, khí hậu, thiên tai, bão lụt cũng rất khó lường. 

Về vấn đề giá cả còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ. 

Dù vẫn có thuận lợi là Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp chống dịch và mở cửa, nhưng nhìn chung trên bình diện quốc tế, tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Nhiều nước xảy ra lạm phát, thậm chí là khủng hoảng, người dân cũng giảm sức mua, tập trung vào mặt hàng thiết yếu”. 

“Nói chung 2023 là một năm với cả thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng tôi nghĩ rằng hướng thuận lợi vẫn chiếm phần chủ đạo. Nếu chúng ta tranh thủ được, có những mềm mỏng trong chính sách thì sẽ đạt được nhiều thành tựu tốt hơn năm 2022.” - Lãnh đạo Cục trồng trọt nhấn mạnh.