Xuất khẩu thủy sản: Chuyển dịch cơ cấu thị trường nhưng tỉ trọng chế biến tinh thấp

12:16 | 11/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây chính là điểm nổi bật của hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt năm 2018 mà Bộ Công Thương vừa đưa ra tại “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018”.

Xuất khẩu thủy sản: Chuyển dịch cơ cấu thị trường nhưng tỉ trọng chế biến tinh thấp - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
 Theo “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018”, tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2017; trong đó khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%. Sản lượng tôm các loại đạt 804.000 tấn, tăng 8,0%; cá tra đạt 1,4 triệu tấn, tăng 10,3%; các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng... Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,5%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5,29%), trong đó, nuôi trồng tăng 6,86%.

Xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt 8,8 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2017, mức tăng trưởng không cao như các năm trước và thấp hơn so với dự kiến 9 tỷ USD từ đầu năm. Về chủng loại mặt hàng, cá tra, cá ngừ, mực và bạch tuộc, cua ghẹ và giáp xác tăng trưởng, trong khi tôm có xu hướng sụt giảm.

Báo cáo cũng khẳng định: Đã có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu thị trường trong năm 2018, theo đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN tăng trưởng dương, bù đắp cho sự sụt giảm tại Trung Quốc.

Cụ thể: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu đạt 1,63 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017 (cao hơn mức tăng chung thủy sản cả nước), trong đó xuất khẩu tôm và cá tra tăng mạnh nhưng cá ngừ giảm nhẹ; EU xuất khẩu đạt 1,44 tỷ USD, tăng 1%; Nhật Bản xuất khẩu đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,4% trong đó tôm và cá ngừ là mặt hàng tăng trưởng tốt nhất; Trung Quốc xuất khẩu đạt 996 triệu USD, giảm 8,2% (ngoại trừ cá tra tăng trưởng 2 con số, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc đều sụt giảm); Hàn Quốc xuất khẩu đạt 864,9 triệu USD, tăng 11,2%, trong đó tôm, mực và bạch tuộc tăng trưởng mạnh.

Trong thời gian qua, ngành sản xuất, chế biến thủy sản tiếp tục phát triển mạnh. Riêng đối với tôm, hiện nước ta có 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000-700.000 tấn/năm và có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn.

“Tuy nhiên, công nghệ chế biến các sản phẩm xuất khẩu phần lớn là các sản phẩm chế biến thô (fillet, nguyên con, cắt khúc...) đông lạnh, theo nhu cầu đặt hàng của thị trường, tỉ trọng các mặt hàng chế biến tinh trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản còn thấp”, Báo cáo chỉ rõ.