Xuất khẩu thuỷ sản có thể phục hồi về mốc 10 tỷ USD trong năm 2024

Trang Mai 16:51 | 04/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh thách thức lẫn cơ hội đan xen trong năm 2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) nhận định, thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD trong năm nay.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản  năm 2023 giảm 17%, đạt hơn 9 tỷ USD. Nguyên nhân được đưa ra là tình trạng lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước.

 Vừa mở rộng thị trường vừa bảo vệ thị phần là những thách thức doanh nghiệp ngành thuỷ sản đối diện trong năm 2023. Ảnh: Báo Công thương

Đánh giá về triển vọng xuất nhập khẩu trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ còn những thách thức và khó khăn khó lường. Riêng với ngành thuỷ sản, Vasep nhận định lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. 

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc giữ chân thị trường cũ và mở rộng thị trường mới đang trở thành bài toán cấp thiết, khi các quốc gia đang có xu hướng ưa chuộng mặt hàng có giá thành rẻ hơn. Ecuador và Ấn Độ cũng đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.

Theo đó, với Mỹ (thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam), nhu cầu được dự báo sẽ hồi phục chậm, cùng với xu hướng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Đồng thời mặt hàng này sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD).

Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Ấn Độ tiếp tục là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, xuất khẩu 245.165 tấn tôm trị giá 1,9 tỷ USD trong 10 tháng 2023. 

Ecuador là nguồn cung lớn thứ 2 và đang dần tăng khối lượng xuất khẩu vào Mỹ với172.741 tấn tôm trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 2% về khối lượng và giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Việc cạnh tranh tôm giá rẻ là điều rất khó với các doanh nghiệp chăn nuôi và xuất khẩu, khi hàng loạt vấn đề nuôi tôm giống và chi phí vẫn chưa có giải pháp khả thi. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65-70% giá thành nuôi tôm công nghiệp), đồng thời, thức ăn qua nhiều khâu trung gian tăng 20-30% so với giá gốc). Bên cạnh đó, việc nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh,... đã khiến nguồn tôm giống trong nước bị thiệt hại đáng kể. 

Còn tại Trung Quốc, nhu cầu phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp, thuỷ sản Việt Nam khó cạnh tranh với các mặt hàng giá rẻ. 

 

Riêng Nhật Bản, từ những tháng cuối năm 2023, Vasep đánh giá rằng đây là thị trường đầy tiềm năng khi ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng. 

Chính phủ Nhật Bản ước tính rằng người tiêu dùng thủy sản bình quân đầu người đã giảm 14% vào năm 2022. Tiêu thụ giảm một phần là do giá tăng cũng như sở thích của người tiêu dùng chuyển sang các loại protein khác như thịt bò, thịt lợn và thịt gà đã trở nên dễ tiếp cận hơn. Hải sản thường được coi là khó chế biến hơn so với các loại protein khác vì việc phải loại bỏ da và xương cá khiến nhiều người khó chịu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các mặt hàng thuỷ sản chế biến sẵn, vốn là thế mạnh của Việt Nam. 

Vasep đánh giá, các dự báo về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2024 không có sự đồng nhất, nhưng nhìn chung sẽ không có sự đột phá ở thị trường này về mặt nhu cầu. Tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc,… thì thương mại thủy sản với Nhật Bản được đánh giá là ổn định hơn.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt sẽ phải tính toán kỹ hơn bài toán về giá thành và giá bán cạnh tranh, đồng thời nắm bắt tận dụng xu hướng tiêu thụ tại thị trường này.

Bên cạnh thách thức chính, các chuyên gia thuỷ sản đánh giá, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm nay. “Xung đột Nga – Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep chia sẻ. 

Tuy nhiên, ngành cũng sẽ đón nhận những tin vui khi xu hướng gia công tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức (người Duy Ngô Nhĩ) và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ xô sang Việt Nam tìm đối tác gia công. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ.

“Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD”, Vasep dự báo.  

 Xuất khẩu thuỷ sản được dự báo sẽ dần hồi phục từ năm 2024. Nguồn: Mai Trang tổng hợp từ Vasep