Xuất khẩu vào Nhật Bản và Hàn Quốc: Dư địa còn rất lớn
Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là hai quốc gia dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là hai đối tác kinh tế lớn của nước ta khi chiếm đến hơn 20% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.
Thị trường Nhật Bản có quy mô GDP năm 2022 là 4.100 tỷ USD, với 125 triệu dân, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá khoảng 900 tỷ USD hằng năm. Trong khi GDP của Hàn Quốc là hơn 1.730 tỷ USD và cũng nhập khẩu trên 731 tỷ USD mỗi năm. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những lợi thế rất lớn cho Việt Nam thúc đẩy giao thương với hai thị trường này.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công Thương, thị phần hàng hoá Việt Nam vào hai quốc gia này còn khiêm tốn, chỉ chiếm 2,7% thị phần thị trường Nhật Bản và 3,3% thị phần thị trường Hàn Quốc. Như vậy, dư địa và tiềm năng còn rất lớn so với nhu cầu của thị trường và mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chưa tận dụng được lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có nhu cầu nhập khẩu lớn ở những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh. Đặc biệt, tiềm năng của 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam đều rất rộng mở.
Tại thị trường Nhật Bản, nhập khẩu hàng dệt may mỗi năm khoảng 24 tỷ USD, trong khi Việt Nam xuất sang thị trường này chỉ ở mức 2,9 tỷ USD, tương đương khoảng 12% thị phần. Hay mặt hàng da giày, Việt Nam xuất khẩu khoảng 823 triệu USD, tương đương 18% thị phần của thị trường với quy mô đến 4,5 tỷ USD.
Một số nông sản Việt Nam có thế mạnh như chuối được Nhật Bản nhập khoảng gần một tỷ USD nhưng chỉ có hơn 6 triệu USD giá trị nhập khẩu từ Việt Nam, tương đương 0,6%; nhóm mặt hàng rau đông lạnh, Nhật Bản cũng nhập gần một tỷ USD mỗi năm, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất được 16 triệu USD sang thị trường này, chiếm 1,6%; cà phê cũng chỉ chiếm khoảng 14% thị phần nhu cầu thị trường Nhật Bản; hạt điều 52 triệu USD, chiếm 5,2%; các mặt hàng thuỷ sản dao động từ 11-22%; các mặt hàng gỗ như gỗ sàn, gỗ ván sàn chỉ chiếm dưới 5%.
Đối với thị trường Hàn Quốc, quy mô nhập khẩu 731 tỷ USD/năm. Dư địa với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh rất lớn.
Cụ thể như nhóm hàng nông thuỷ sản, thị trường này nhập từ 37-40 tỷ USD. Tuy nhiên, nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc rchỉ chiếm khoảng 3%. Trong đó, mặt hàng chuối Việt Nam xuất sang Hàn Quốc hơn 4 triệu USD, chỉ tương đương 1,3% thị phần nhập khẩu hơn 300 triệu USD của Hàn Quốc; hay cà phê xuất khẩu hơn 50 triệu USD, chiếm 12%.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt hiện không phải là thuế quan mà ở khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường, xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng quản lý còn yếu…
"Việt Nam đang có lợi thế nhờ các FTA đã kí với Nhật Bản. Hàng hoá từ Việt Nam sang Nhật Bản cơ bản đều được hưởng lợi thế cạnh tranh về thuế. Ví dụ như mặt hàng dệt may, chúng ta hưởng thuế suất 0% khi xuất sang Nhật Bản nhưng Trung Quốc và Bangladesh chịu thuế từ 5-11%. Hoặc nhóm hàng thuỷ sản, trong khi Việt Nam hưởng thuế suất 0% thì Trung Quốc, Ấn Độ chịu thuế từ 6-12% khi xuất sang Nhật Bản", ông Đỗ Quốc Hưng nêu dẫn chứng cụ thể.
Tương tự như với Nhật Bản, các mặt hàng từ Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các quốc gia khác khi xuất sang Hàn Quốc. Có đến 97,2% hàng hoá từ Việt Nam xuất sang Hàn Quốc đã được hưởng thuế suất 0%.
Từ năm 2024, trái cây từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, trong khi các quốc gia khác trong khu vực ASEAN vẫn chịu thuế 36%, hoặc từ Trung Quốc chịu thuế 27%.
Bám sát yêu cầu của thị trường
Trước những lợi thế rất lớn như vậy, vì sao thị phần hàng hoá Việt Nam xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ ở mức thấp? Một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do chúng ta chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn với hàng hoá của các thị trường này.
Đơn cử như mặt hàng dệt may, đã có sự thay đổi trong xu hướng nhập khẩu khi hai thị trường này yêu cầu sản phẩm ở phân khúc chuyên dụng hơn và đòi hỏi tính chất thân thiện với môi trường rõ ràng hơn.
Đối với nông sản, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là hai thị trường đặt ra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ. Gần đây, Hàn Quốc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Nếu các doanh nghiệp không chú ý những thông tin này và không thường xuyên cập nhật yêu cầu từ thị trường thì sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu.
"Ví dụ như mặt hàng chuối, hai thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn, nhưng doanh nghiệp phải tìm hiểu cụ thể, các thị trường ưa chuộng giống chuối nào, bao bì mẫu mã, trọng lượng ra sao để chúng ta đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm", ông Đỗ Quốc Hưng khuyến nghị.
Cũng theo ông Hưng, do khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa Việt còn hạn chế nên đã có nhiều vụ việc vi phạm các tiêu chuẩn nhập khẩu. Thống kê trong 5 năm trở lại đây đã có hàng chục vụ vi phạm, chủ yếu liên quan đến tiêu chuẩn thành phần có hàm lượng gây hại vượt mức cho phép, hoặc sử dụng phụ gia chưa được cấp phép tại thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, khả năng khai thác các kênh phân phối lớn tại Nhật Bản và Hàn Quốc của doanh nghiệp Việt cũng chưa tốt; hay chưa tận dụng được quy định xuất xứ hàng hoá. Các FTA mang lại ưu đãi thuế quan rất lớn cho hàng hoá từ Việt Nam, nhưng yêu cầu minh bạch trong quản lý nguồn nguyên liệu và xuất xứ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng với việc này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang hai thị trường này, ngoài đề án hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các kênh phân phối ở nước ngoài đang triển khai, tới đây Bộ Công Thương sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động phổ biến thông tin thị trường, cập nhật các tiêu chuẩn nhập khẩu, những thay đổi về xu hướng và thị hiếu tiêu dùng để doanh nghiệp nắm bắt và điều chỉnh.
Về lâu dài, cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững để gia tăng lợi thế cho sản phẩm vào hai thị trường khó tính này. Có như vậy hàng hoá từ Việt Nam mới tận dụng được các ưu đãi thuế quan, thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, gia tăng thị phần xuất khẩu tại Nhật Bản và Hàn Quốc.