Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) sắp phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP

Thùy Dương 16:57 | 03/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) đã công bố kế hoạch phát hành 1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Theo đó, Công ty dự kiến phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tỷ lệ phát hành là 1,45% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 10 tỷ đồng. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. 

Trong danh sách mua, dự kiến ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, được mua 170.000 cổ phiếu, chiếm 17% tổng lượng phát hành. Giám đốc điều hành được mua 103.000 cổ phiếu, chiếm 10,3% tổng lượng phát hành. Số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được bổ sung vào nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Hiện trên thị trường, chốt phiên 3/11, cổ phiếu GIL hiện có thị giá 25.950 đồng/cổ phiếu. 

Trong quý III/2022, GIL ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 213 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ 192 tỷ đồng giá vốn, doanh nghiệp chỉ thu về 21 tỷ đồng lợi nhuận gộp, biên lãi gộp theo đó giảm từ 15% về còn 9,9%. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn đạt 128 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng vọt khoảng 9 lần lên 269 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, GIL ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.905 tỷ đồng, tăng 5,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 352 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng 2021.

Năm 2022, GIL đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 250 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty hoàn thành 72,5% kế hoạch doanh thu và 140,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/9, tổng tài sản của GIL tăng 13,3% so với đầu năm lên gần 4.268 tỷ đồng. Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.053 tỷ đồng, chiếm 48% tổng tài sản; hàng tồn kho 1.278 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản. 

Tổng nghĩa vụ nợ giảm từ 2.155 tỷ đồng đầu năm xuống còn 1.764 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (1.622 tỷ). Vốn chủ sở hữu đạt 2.503 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu năm. 

 
Trước đó, phía công ty đã trình các cơ quan về việc phê duyệt thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Theo đó, dựa theo nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình thị trường và yêu cầu của cơ quan nhà nước, công ty sửa đổi, bổ sung ngành bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác bao gồm: bán buôn vật tư, máy móc thiết bị ngành may và máy móc, thiết bị y tế - trừ việc thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối đối với các hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối…