6 tháng đầu năm: Lợi nhuận trước thuế của TPBank gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước
Nhìn lại, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên thí điểm triển khai Basel II. Khi đó TPBank vẫn đang trong quá trình tự tái cơ cấu, sau khi từng rơi vào diện ngân hàng yếu kém. Và chỉ sau 5 năm, tái cơ cấu thành công, thành viên này tiếp tục tạo bất ngờ nói trên.
Trong đợt “sát hạch” tiếp theo, từ tháng 5/2019, TPBank chính thức trở thành một trong số ít ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam vượt rào thành công, áp dụng chuẩn mực Basel II trước thời hạn.
Nhìn sang nợ xấu, tỉ lệ công bố chỉ ở mức 1,47%, đã được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Tuy nhiên, cũng như nhiều thành viên khác, TPBank còn có một phần nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Việc xử lý số dư tại VAMC mới được xem là “đưa nợ xấu về 1 sổ”, tỉ lệ nợ xấu thấp một cách thực chất.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, TPBank cho biết còn trích thêm dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC là 224 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ đã chủ động mua lại tới gần 330 tỷ đồng và số dư trái phiếu đặc biệt VAMC cuối kỳ chỉ còn hơn 426 tỷ đồng. TPBank đặt kế hoạch tất toán toàn bộ số dư còn lại đó trong năm nay.
Như vậy, với việc tất toán toàn bộ trái phiếu và sạch nợ xấu tại VAMC, TPBank sẽ trở thành một trong số ít ngân hàng thương mại làm được điều này, sau kết quả áp Basel II. Sạch nợ tại VAMC, “chất lượng lợi nhuận” theo đó càng cao hơn, chắc chắn hơn và triển vọng bớt áp lực hơn trong tương lai.
Nhìn vào cơ cấu lợi nhuận, TPBank cũng cho thấy mức độ nắm chắc kết quả đạt được do tỷ trọng đóng góp lớn từ dịch vụ, cũng như tăng trưởng mạnh ở cấu phần này thay vì dựa quá nhiều vào tín dụng mà tiềm ẩn rủi ro.
Kết quả 6 tháng đầu năm thể hiện hướng chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, đẩy mạnh định vị và cạnh tranh các dịch vụ ngân hàng số mà TPBank xác định ngay khi bắt tay vào tái cơ cấu giai đoạn trước.