9 tháng, Hà Nội thu hút gần 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
9 tháng, Hà Nội thu hút gần 1 tỷ USD vốn FDI
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, ước tính đến cuối tháng 9, Hà Nội thu hút khoảng 992,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 226 dự án mới với tổng vốn đầu tư 141,3 triệu USD; còn lại là dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Các nước dẫn đầu về số dự án đầu tư vào Hà Nội chủ yếu nằm trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Châu Âu và Mỹ chỉ chiếm dưới 10% tổng vốn đăng ký. Dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú khẳng định đây là kết quả tích cực, giúp Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, cũng theo ông Tú, chất lượng, hiệu quả và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tư nước ngoài vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi, như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm. Những ngành này thường sử dụng nhiều lao động, suất đầu tư trên 1ha đất sử dụng chưa cao; dự án chủ yếu có quy mô nhỏ.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và ưu đãi được hưởng; tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao; liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ cũng hạn chế.
Để tăng cường số lượng và chất lượng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Hà Nội có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, dự án phù hợp với mức độ phát triển của thành phố; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
Giải ngân đầu tư công 9 tháng của Hà Nội đạt 33,6% kế hoạch
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào ngày 26/9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, đến ngày 23/9, Hà Nội giải ngân hơn 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch.
Cũng theo vị này, trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Hà Nội gặp 4 điểm nghẽn, nút thắt.
Thứ nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Thứ hai là khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Thứ ba, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ tư, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.
Trước tình hình này, HĐND TP đã thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố. Những tháng cuối năm, UBND TP tập trung triển khai thực hiện Đề án nhằm đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ năng lực hiện có và các điều kiện thực hiện, có văn bản cam kết thực hiện công tác giải ngân vốn năm nay. Đến nay, toàn bộ các chủ đầu tư đã có văn bản cam kết giải ngân với thành phố.
Đồng thời phân công quản lý theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công; dự kiến tỷ lệ giải ngân toàn thành phố sẽ đạt 93% kế hoạch vốn được giao.