ASEAN gắn kết chặt chẽ để khôi phục kinh tế sau đại dịch

09:42 | 31/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các Bộ trưởng ASEAN cần duy trì mở cửa thị trường trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng biện pháp gây hạn chế, nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục kinh tế.

Theo đó, tại buổi họp báo thông tin về các kết quả chính đạt được trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các hội nghị liên quan ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổng soát lại tình hình hoạt động hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại.

Kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị AEM 52 lần này đối với Việt Nam là việc các Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các Sáng kiến, ưu tiên Kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch mặc dù các nước ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra.

ASEAN gắn kết chặt chẽ để khôi phục kinh tế sau đại dịch - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Họp báo.

Cụ thể, 2 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chuyển đổi từ danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam.

Ngoài ra, hội nghị cũng hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối.

Đồng thời, ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, giúp các nước thành viên tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Về liên kết ngoại khối, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP vào cuối năm nay và tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Úc, New Zealand, Canada, Vương quốc Anh.

Ngoài ra, tại hội nghị này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.

ASEAN gắn kết chặt chẽ để khôi phục kinh tế sau đại dịch - ảnh 2

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52).

Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay. Theo đó, các Bộ trưởng thảo luận rất kỹ, trao đổi và tìm ra hướng giải quyết các vấn đề còn tồn động trong việc kết thúc đàm phán, cũng như chuẩn bị ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Bangkok vào cuối năm 2019.

Chia sẻ thêm về vấn đến này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phần lớn các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến RCEP đều đạt đựợc kết quả khả quan. Các Bộ trưởng rất hài lòng và đánh giá kết quả đạt được theo đúng tiến độ yêu cầu. Đồng thời đưa ra những chỉ đạo cụ thể để giải quyết những vấn đề còn lại, kể cả trong vấn đề rà soát pháp lý, quy trình thực hiện nội bộ, cũng như thúc đẩy đạt mục tiêu hoàn tất các công việc chuẩn bị để ký kết vào cuối năm 2020. Các nước thành viên RCEP đều tạo điều kiện để Ấn Độ tiếp tục tham gia ký kết RCEP, đồng thời đã có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể. Theo tinh thần đó, Bộ trưởng hy vọng các mục tiêu của các lãnh đạo RCEP vào cuối năm ngoái ở Hội nghị thượng đỉnh Bangkok sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng lộ trình.

Các Bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết RCEP sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên nguyên tắc, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khu vực.

"Đối với Việt Nam, Hiệp định RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp."- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Xem thêm: 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN: Chung tay vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng

Chuyên gia Malaysia đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam

Đông Nghi