Bamboo Airways sắp được cấp phép
Với chỉ đạo này, hành trình "cất cánh" của Bamboo Airways xem như tiến thêm một bước đáng kể. Việc hoàn thành mục tiêu chính thức được cấp phép trong năm 2018 này như lãnh đạo Tập đoàn FLC tuyên bố, theo đó, là điều hoàn toàn có thể.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ dự án của Bamboo Airways cơ bản hội đủ các thủ tục pháp lý cần thiết. Dự kiến, quy mô đầu tư của nhà đầu tư phù hợp với quy định tại Nghị định 92/2015/NĐ-CP về số lượng tàu bay duy trì tối thiểu trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không (3 tàu bay).
Dự án cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 cũng như Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nhà đầu tư cũng thỏa mãn yêu cầu về vốn chủ sở hữu, cũng như cam kết của công ty mẹ - Tập đoàn FLC về việc cung cấp bổ sung vốn lưu động thường xuyên phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường và các giai đoạn tiếp theo; góp vốn bổ sung tăng vốn điều lệ, đảm bảo luôn đáp ứng điều kiện về mức vốn tối thiểu thành lập và duy trì vận chuyển hàng không theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Ngày 12/6, tại đại hội đồng cổ đông thường niên FLC năm 2018, trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do FLC mở hãng hàng không Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết nói: “Trước đây tập đoàn đã từng mở dịch vụ trực thăng nhưng xét thấy hoạt động không hiệu quả bởi số khách hàng phục vụ chưa được nhiều. Bên cạnh đó, thời gian xin giấy phép bay khoảng 4-5 ngày, khó khăn trong quá trình hoạt động. Vì vậy, từ năm 2015, Tập đoàn đã bắt đầu nghiên cứu về hãng hàng không Bamboo Airway”.
Ông Quyết cũng chia sẻ với cổ đông rằng “năm 2018 này chúng tôi quyết tâm có 20 máy bay về các sân bay của Việt Nam”. 20 máy bay nói trên là do FLC thuê lại. 24 chiếc máy bay A321NEO mà FLC mua từ Airbus sẽ bắt đầu bàn giao từ năm 2019-2023.
Ông Trịnh Văn Quyết cho hay: “Ngày 25-26/6, ban lãnh đạo của FLC sẽ đến nhà máy sản xuất để trả tiền đặt cọc cho số máy bay này”. Chủ tịch FLC cũng thông tin rằng trụ sở chính của Bamboo Airways đang nằm ở sân bay Phù Cát của tỉnh Bình Định.
Hiện tại, FLC chưa phát hành cổ phiếu để huy động vốn cho hãng hàng không Bamboo Airways hoàn toàn dùng bằng vốn tự có và vốn vay.
Ông Quyết cho biết: “Airbus và Boeing đều cam kết có công ty tài chính đứng ra thu xếp vốn với số tiền lên tới 80%, tức chúng ta chỉ phải bỏ từ 20-30%, tùy theo thu xếp tài chính”.
Về chiến lược phát triển, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways không định vị mình là hãng hàng không giá rẻ mà là hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines. “Bamboo Airways sẽ có những dịch vụ siêu cao cấp hơn cả các hãng truyền thống và cả những dịch vụ giá rất rẻ như phục vụ những chuyến bay miễn phí đến các khu nghỉ dưỡng FLC”, ông Quyết nói. Dự kiến cuối năm nay, Bamboo Airways sẽ cất cánh với khoảng 20 máy bay đi thuê bởi theo hợp đồng, máy bay đặt hàng với Airbus năm 2019 mới được bàn giao.
Ngày 6/3, Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Airbus (châu Âu) để mua 24 máy bay A321NEO cho hãng hàng không mới thành lập của FLC là Bamboo Airways. Giá trị của thương vụ này lên đến 3 tỷ USD. Mẫu máy bay A321NEO mà FLC đặt mua là phiên bản mới thuộc dòng A321 - loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus, có khả năng chở đến 240 hành khách.
Sử dụng động cơ và công nghệ tối tân, A321NEO hứa hẹn sẽ giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu lên đến 20% tính đến năm 2020. Đây cũng là mẫu máy bay một lối đi có tầm bay xa nhất trên thị trường hiện nay, đạt 4.000 dặm (6.437 km) không nghỉ.