Quảng Ninh thu hút nhiều dự án bất động sản nhờ phát triển kinh tế ven biển
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); hai thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, huyện Hải Hà sẽ sáp nhập với TP Móng Cái, ba huyện khác sẽ lên thành phố là Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.
Quảng Yên phát triển công nghiệp, hình thành các khu đô thị mới
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Yên phát triển công nghiệp ở phía nam, hình thành các khu đô thị mới ở phía đông
Thị xã Quảng Yên quy mô dân số 530.000 người, diện tích 333,7 km2.
Đây là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của tỉnh và của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; Là trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của khu vực phía tây nam của tỉnh và vùng lân cận.
Đây cũng là khu vực tập trung các ngành công nghiệp như: Sản xuất các sản phẩm phụ trợ, sửa chữa tàu thuyền; các dịch vụ thương mại và kho vận; chế biến thuỷ sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương.
Quảng Yên là khu vực năng động phát triển về kinh tế biển, trung tâm là cảng biển; khu công nghiệp hiện đại - khu đô thị thông minh và thân thiện với môi trường; các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thị xã Quảng Yên được định hướng mở rộng không gian kết nối về phía bắc và phía nam, phát triển trên các trục kết nối với các đô thị và các khu vực động lực phát triển về công nghiệp, du lịch.
Thị xã phân thành 4 khu vực chính: Khu vực công nghiệp công nghệ cao: gồm các khu công nghiệp, khu đô thị mới gắn kết với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu;
Khu vực trung tâm thị xã Quảng Yên: gồm khu trung tâm đô thị mới, là trung tâm đô thị đa chức năng, trung tâm hành chính với dịch vụ công cộng và thương mại, phát huy giá trị lịch sử của di tích Bạch Đằng, hình thành cảnh quan của khu vực chính trong hành lang sinh thái dọc sông Chanh;
Khu vực cảng phía nam: Khu chức năng chính là các khu công nghiệp, phát triển kết nối với cảng Lạch Huyện và giao thông đối ngoại, phân chia luồng giao thông hàng hoá và luồng giao thông dân sinh, phát huy không gian xanh sông Rút;
Khu vực du lịch phía đông: Bao gồm các khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng, bảo vệ rừng ngập mặn, định hướng phát triển là khu du lịch biển, phát triển nông nghiệp trải nghiệm, phát triển các khu resort, đa dạng hoá loại hình du lịch...
Thu hút nhiều dự án lớn
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng tại Quảng Ninh, 2 dự án FDI mới vào Khu kinh tế Quảng Yên đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cả 2 dự án này đều thuộc nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, mà cụ thể là phụ trợ của ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, dự án của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển - Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.
Dự án còn lại có mức vốn 165 triệu USD (tương đương 4.080 tỷ đồng) của nhà đầu tư đến từ Đài Loan. Nhà đầu tư này sẽ triển khai sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ô tô Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong.
Lãnh đạo thị xã Quảng Yên cho rằng, tương lai Khu kinh tế ven biển Quảng Yên sẽ là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây tỉnh Quảng Ninh, được phát triển theo mô hình thành phố thông minh với các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Hiện, thị xã Quảng Yên có 5 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương. Quảng Yên cũng là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đã trở thành địa chỉ đỏ dành cho các nhà đầu tư. Khu kinh tế này hiện có 5 dự án đầu tư thứ cấp, gồm 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 899,23 triệu USD và 2 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 5.661 tỷ đồng (chưa bao gồm 4 dự án hạ tầng KCN).
Trong đó, có 2 dự án lớn của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) là Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam (365,6 triệu USD) và Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (500 triệu USD) tại KCN Sông Khoai.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, hai nhà đầu tư FDI lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD vào KCN Bắc Tiền Phong.
Tháng 1/2023, Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền đã khởi công Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C, với mức đầu tư là 20,5 triệu USD, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại.
Còn KCN Nam Tiền Phong đang có 3 dự án ký thỏa thuận nguyên tắc, với diện tích sử dụng đất đăng ký 36,8 ha, vốn đầu tư khoảng 3.935 tỷ đồng. KCN Sông Khoai cũng đang xúc tiến thu hút thêm 7 dự án trong năm 2023 này.
Đáng chú ý, DEEP C cũng đã đầu tư 2 KCN tại Quảng Yên là KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong, với tổng diện tích lên đến 1.680 ha.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
KKT Quảng Yên sở hữu vị trí địa lý mang tính chiến lược khi nằm trong tam giác phát triển mạnh về kinh tế miền Bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Được đấu nối trực tiếp với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (dài 24,6 km), Hà Nội - Hải Phòng (dài 105,5 km) nên dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố xung quanh. Trục cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh cũng đã được kết nối thẳng với Cửa khẩu Bắc Luân II. Thông qua trục cao tốc này, KKT ven biển Quảng Yên còn được kết nối với hệ thống Cảng quốc tế Lạch Huyện, với 2 sân bay quốc tế là Vân Đồn và Cát Bi.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, để thu hút nhà đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; logistics; dịch vụ hậu cần cảng biển... Tích cực huy động các nguồn lực, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư, xây dựng các tuyến đấu nối cao tốc, các tuyến đường nội khu.
Mặt khác, nắm bắt cơ hội từ Khu kinh tế Quảng Yên, thị xã Quảng Yên đã và đang tập trung để phát triển hạ tầng, tạo động lực phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của một thị xã đang trong đà vươn lên trở thành thành phố. Năm 2022, Quảng Yên đã tập trung phát triển cả về đầu tư công và đầu tư tư; công tác quản lý, quy hoạch đặc biệt được quan tâm.
Theo đó, phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn I), nút giao Đầm Nhà Mạc; phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh và TP. Hải Phòng bàn giao mặt bằng khởi công xây dựng Cầu Rừng...
Để hỗ trợ nhà đầu tư, thị xã Quảng Yên rất chú trọng việc giải phóng mặt bằng và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó không những tăng cơ hội thu hút đầu tư, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.