Bất động sản khu công nghiệp ‘hút khách’, nhà đầu tư Nhật Bản đổ bộ vào phía Nam

Đông Bắc 11:21 | 26/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với việc hàng loạt khu công nghiệp được mở rộng cùng hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bất động sản công nghiệp đang được ví như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư nước ngoài cũng đang lựa chọn khu vực thích hợp để đầu tư vào Việt Nam.

  

Bất động sản công nghiệp vẫn "hút khách"

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2023, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1,53 tỷ USD giữ vị trí thứ 3 trong các ngành, lĩnh vực. Điển hình, vào ngày 1/8 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Sản xuất hợp kim nhôm cho Công ty TNHH Innovation Precision (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Techonology) với tổng mức đầu tư 165 triệu USD. Theo kế hoạch trong tháng 8/2023, dự án sẽ đi vào xây dựng nhà xưởng và đến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Trong cuộc Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, sẽ có 3  khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được khởi công, 4 dự án được chấp thuận đầu tư, 10 dự án mới được ký biên bản hợp tác phát triển.

Như vậy có thể thấy, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển bất động sản khu công nghiệp. Chia sẻ về triển vọng dòng vốn mới đầu tư vào bất động sản công nghiệp, đặc biệt là nhu cầu bất động sản xanh, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Bruno Jaspaert cho rằng, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như hiện nay, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có giới hạn. Trong đó, nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon.

 Bất động sản công nghiệp vẫn hút khách, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Ảnh BXD.

Phân tích các yếu tố thuận lợi và bất lợi trong việc thu hút và phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong thời gian tới, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án - DKRA Group nhận định trên Reatimes.vn: Trong 7 tháng đầu năm 2023, FDI được cải thiện và tăng trưởng dương, đây được được xem là động lực lớn để thị trường bất động sản công nghiệp duy trì đà tăng trưởng và phát triển.

Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư và bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, hàng loạt ông lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Singapore với dòng vốn FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới như: Samsung tăng vốn lên 20 tỷ USD, LG đầu tư thêm 5 tỷ USD, SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup,… đưa Việt Nam trở thành điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistic ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn nhiều thách thức, điển hình nhất là sự thiếu hụt nguồn cung KCN mới, do quy trình đền bù và thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc.

Hơn nữa hiện nay, Việt Nam đang phải cạnh tranh trong việc thu hút FDI với các quốc gia khác như: Indonesia hay Malaysia.

Dự báo những tháng cuối năm, ông Võ Hồng Thắng cho biết, hiện nay, dù thị trường bắt đầu có những tín hiệu tích cực, nhưng trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức khi quy trình thủ tục pháp lý kéo dài dẫn đến không có nguồn cung mới nào được ghi nhận trong những tháng cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, việc quỹ đất  khu công nghiệp sẵn sàng để bàn giao khá hạn chế, trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao khiến giá thuê đất có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong giai đoạn cuối năm.

Riêng đối với loại hình nhà kho, xưởng xây sẵn có thể tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm giữa bối cảnh hoạt động thương mại vẫn còn trầm lắng, đặc biệt là các kho xưởng có nhóm khách thuê là doanh nghiệp sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu. Trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư và khách thuê có xu hướng chờ đợi và theo dõi diễn biến thị trường, đồng thời cũng trở nên thận trọng hơn trong việc mở rộng quy mô kinh doanh cũng như triển khai dự án mới.

Ông Võ Hồng Thắng cho biết thêm, thị trường bất động sản công nghiệp trong những tháng vừa qua bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ dòng vốn FDI tăng trưởng dương. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường còn phụ thuộc khá nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế chung. Khi kinh tế tăng trưởng các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất và logistic, từ đó tạo ra nhu cầu tăng về không gian sản xuất và kho bãi.

Bên cạnh đó, trước quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì việc bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Chính phủ như giảm thuế, cung cấp các gói tín dụng là cần thiết để kích cầu thị trường, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ảnh BĐT. 

Nhà đầu tư Nhật Bản tập trung rót vốn vào các tỉnh phía Nam

Vừa qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản, gồm Công ty TNHH Nitto Denko, Công ty TNHH Yuwa, Công ty TNHH một thành viên SKM và Công ty TNHH AEON, được Bình Dương cấp giấy phép đầu tư mở rộng nhà máy, với tổng vốn đầu tư 168 triệu USD. Cùng thời điểm, Công ty TNHH Matsuya R&D (Nhật Bản) chuyên sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế khánh thành nhà máy thứ 6 tại Đồng Nai.

Điểm chung dễ nhận thấy là, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam coi Nhật Bản là thị trường trọng điểm trong xúc tiến mời gọi đầu tư. Vì vậy, trong tháng 9 này, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đã tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư Nhật Bản để tranh thủ xúc tiến mời gọi đầu tư.

Tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương, hiện Nhật Bản là nhà đầu lớn thứ hai với 350 dự án, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD. Tại đây có sự hiện diện của các tên tuổi lớn như Tập đoàn Aeon về phát triển thương mại; Mitsubishi về phát triển công nghiệp ô tô; Tập đoàn Toshiba và Tập đoàn điện tử Foster về sản xuất linh kiện điện tử… Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo một số tập đoàn đã gặp lãnh đạo tỉnh để thông báo về kế hoạch mở rộng nhà máy tại đây.

Cùng với Bình Dương, Đồng Nai cũng được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn làm nơi đặt cứ điểm sản xuất, với lợi thế là địa phương có Sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Tại địa phương này, hiện có 272 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 5,59 tỷ USD, đứng thứ 3 về số dự án và tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Một địa phương khác tại phía Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút nhà đầu tư Nhật Bản là Long An. Long An hiện có 138 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với vốn đầu tư 767 triệu USD và là địa phương có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản nhiều nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, các dự án của Nhật Bản tại Long An không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn.