Bất động sản xanh được ưu ái, sức thanh khoản cao hơn dự án thông thường
Năm 2020, ngay cả khi xảy ra đại dịch COVID-19, bất động sản xanh vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hợp lý với sức thanh khoản cao hơn 2 lần dự án thông thường và được nhiều người ưu ái, săn đón.
Bất động sản xanh là xu hướng tất yếu
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, bất động sản xanh là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Khi những tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng rõ rệt, các nước trên thế giới ngày càng chú tâm nghiên cứu, xây dựng và phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh,... Tại các nước lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật,... hàng loạt dự án bất động sản xanh trị giá hàng tỷ USD đã được tung ra để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như một cách để cải thiện môi trường sống.
Tổng Giám đốc enCity Nguyễn Đỗ Dũng nhận định: "... Bất động sản xanh là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy vậy việc phát triển các khu đô thị thông minh, đô thị xanh không đơn giản. Đây là một bài toán khó của nhiều quốc gia trên cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam".
Kể từ năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu manh nha xuất hiện nhiều dự án bất động sản thông minh. Sau khoảng 20 năm, xu hướng phát triển các khu đô thị xanh, thông minh ngày càng được chú trọng và thu hút đông đảo sự chú ý của người dân, đón nhận số lượng lớn cư dân sinh sống như khu đô thị Ecopark, Phú Mỹ Hưng,... Đây là xu hướng tất yếu của thị trường, khi người dân ngày càng quan tâm tới các vấn đề về môi trường, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng tăng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người trẻ, gia đình trẻ mong muốn sở hữu bất động sản xanh để có môi trường sống tốt hơn, tạo điều kiện nuôi dạy cho lớp trẻ và có đời sống sinh hoạt văn minh, hiện đại.
Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, vào năm 2020 các dự án bất động sản xanh, thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần các dự án thường. Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, KTS Đỗ Việt Chiến khẳng định các dự án khu đô thị xanh, thông minh ngày càng được nhiều người chọn mua ngay cả khi có giá bán cao vượt trội. Trong khi đó, các dự án nhỏ lẻ đang dần vắng bóng, không còn được quan tâm, chú ý như những dự án lớn ứng dụng công nghệ thông minh.
Phát triển đô thị xanh vẫn là bài toán khó
Trên thực tế, việc phát triển các công trình xanh, đô thị thông minh không phải là việc dễ dàng. Ngay cả một số quốc gia lớn có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến trong việc xây dựng đô thị xanh vẫn còn gặp nhiều vấn đề ở một số dự án. Dự án phát triển thành phố mới Songdo tại Incheon, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Dự kiến ban đầu của chủ đầu tư là xây dựng Songdo như một đô thị thông minh, mục tiêu tầm xa là trở thành trung tâm tài chính - kinh tế của châu Á. Tuy nhiên chỉ sau vài năm xây dựng, chủ đầu tư dự án đành phải rút lui, Chính phủ Hàn Quốc đành phải mua lại duy trì.
Tại Việt Nam, trước đây xây dựng đô thị thông minh còn gặp nhiều vấn đề, như khi chủ đầu tư muốn phát triển dự án khu đô thị thông minh nhưng lại không rõ việc bắt đầu từ đâu, bắt đầu bằng cách nào. Không ít doanh nghiệp cũng loay hoay, hoang mang khi xác định tiêu chí, đo lường hiệu quả của dự án. Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, có vài thách thức cơ bản các chủ đầu tư phải đối mặt khi phát triển khu đô thị mới như thu hút cư dân, xây dựng môi trường sống tốt, thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm, đa dạng hoạt động kinh tế, linh hoạt với biến động thị trường, xây dựng mô hình vận hành, gia tăng giá trị đất đai theo thời gian.
Không gian sống xanh là hệ sinh thái đem lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân. Chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng enCity Pablo Acedillo nhận định: "Vì sao phải ứng dụng mô hình khu đô thị thông minh? Bởi đây là xu hướng toàn cầu, khám phá về công nghệ để đưa ra những trải nghiệm mới cho người dân. Nhà đầu tư có thể đón đầu xu thế này thì khu đô thị thông minh chính là đích đến".
Những năm gần đây, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty phát triển các dự án khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh. Chiến lược sắp tới của Nhà nước cũng là phát triển đô thị Việt Nam ứng dụng công nghệ hiện đại, dần hình thành hệ thống các đô thị thông minh tập trung đông ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Hiện tại, ở Hà Nội đang là nơi thí điểm một số khu đô thị thông minh, tại miền Trung là TP. Đà Nẵng và một số đô thị xanh tại khu vực phía Đông Tp.HCM. Đây là những thành phố tiên phong, là điểm khởi đầu để phát triển nên những đô thị xanh, thành phố thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Linh Chi