Những sân bay nào được Cục Hàng không đề xuất bổ sung quy hoạch?
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kết quả làm việc với 10 tỉnh, thành phố có đề xuất bổ sung sân bay mới vào Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050 Theo đề xuất, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã làm việc với các địa phương đề xuất quy hoạch cảng hàng không trong vòng một tháng. Tại mỗi buổi làm việc, các đơn vị tư vấn, không lưu đã rà soát, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, các điều kiện liên quan (kể cả điều kiện về có nhà đầu tư, kêu gọi vốn xã hội hóa), Cục HKVN đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hòa (Vân Phong), Đắk Nông, Tây Ninh. Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị các địa phương này lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.
Duy nhất một sân bay trong đề xuất không được Cục HKVN đề xuất bổ sung là Mộc Châu (sân bay thứ 2 của Sơn La, ngoài sân bay Nà Sản), nguyên nhân chính là do vị trí đất làm sân bay nằm trong Rừng quốc gia Mộc Châu có điều kiện thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến quy trình khai thác hàng không dân dụng. Trước đó, cuối năm 2021, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 sân bay, và đến năm 2050 có 31 sân bay. Quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung. Tại lần trình năm 2019, Bộ GTVT đã loại hết các đề xuất của địa phương khỏi quy hoạch, chỉ lựa chọn bổ sung theo phương án đánh giá và chấm điểm của tư vấn. Sau đó, nhiều địa phương nhận được đề nghị của các nhà đầu tư về làm sân bay tại địa phương mình nên sau đó đồng loạt kiến nghị lên Chính phủ. Chính phủ đã phải tổ chức riêng một cuộc họp với các địa phương muốn làm sân bay mới. Sau đó Bộ GTVT được giao tiếp tục rà soát lại lần cuối để xem xét và bổ sung quy hoạch, nếu đạt điều kiện trước khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch trên.
Trước đó, tháng 4/2022, khi trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không, Bộ GTVT đã liệt kê tiêu chí để quy hoạch cảng hàng không mới được đặt ra để đảm bảo hiệu quả đầu tư, không xung đột dựa trên kinh nghiệm quy hoạch mạng cảng hàng không của quốc tế thì cần phải có bộ tiêu chí gồm 6 tiêu chí chính và 22 tiêu chí cụ thể theo phương pháp đánh giá về sự cần thiết và mức độ khả thi. 6 tiêu chí chính gồm: sản lượng hàng hóa, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch), nhu cầu đảm bảo quốc phòng- an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược), nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ, điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…), cự ly tiếp cận (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các CHK lân cận).
Với các cơ sở tiêu chí trên, thực hiện rà soát, đánh giá cho toàn bộ 63 địa phương trên cả nước đảm bảo tính khách quan, khoa học. Các cảng hàng không mới cần đạt tối thiểu 40 điểm/100 điểm mới đưa vào quy hoạch. Đây là cơ sở để tránh lãng phí về nguồn lực và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tư nhân có thể định lượng hiệu quả trong trường hợp các sân bay được đầu tư theo hình thức PPP. Cả nước hiện có 22/23 cảng hàng không đang khai thác. Trong đó có 9 sân CHK quốc tế và 13 CHK quốc nội. CHK Phan Thiết đang triển khai đầu tư.