BIDV tiếp tục hạ giá bán, phát mại nhiều khoản nợ 'khủng'
Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HOSE: BID), ngày 30/9 tới đây, ngân hàng sẽ bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, với giá khởi điểm là 4.249 tỷ đồng.
Với mức giá khởi điểm 4.249 tỷ đồng, BIDV đã giảm thấp hơn 655 tỷ đồng so tổng dư nợ của Công ty Tài Nguyên và giảm 410 tỷ đồng so với mức giá mà ngân hàng đưa ra cho phiên đấu giá ngày 16/9 vừa qua.
BIDV cho biết tính đến 30/6, tổng dư nợ của Công ty Tài Nguyên là hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó 2.506 tỷ đồng là nợ gốc, còn lại là nợ lãi. Khoản nợ được tính theo các hợp đồng cấp tín dụng từ năm 2005, 2006, 2009... và hợp đồng mới nhất là ngày 3/7/2020.
Giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4.425 tỷ đồng, đây là lần thứ 3 khoản nợ này được rao bán kể từ đầu năm đến nay, giảm hơn 230 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 8. BIDV cho biết tại thời điểm thông báo đấu giá này, ngân hàng đang tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản Nợ trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Tòa án Nhân dân quận 1 (TP HCM) theo thông báo về việc thụ lý vụ án số 43 ngày 21/3 vừa qua. BIDV đã thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án vào ngày 21/3 với số tiền là 2,39 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tham gia giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Từ cuối tháng 6, BIDV đã thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên. Ngân hàng cho biết tài sản bảo đảm cho khoản vay là các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. Đáng nói, tài sản này cũng được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank (BIDV chiếm 58% giá trị).
Giá trị định giá tài sản là 7,836.7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4,545.5 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Tp.Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885.5 tỷ đồng. Công ty Tài Nguyên có trụ sở tại số 10 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Tâm.
Dự án Kenton Node có tên gọi trước kia là Kenton Residence, từng được mệnh danh là "thiên đường nhiệt đới" tại khu Nam Sài Gòn. Dự án có tổng diện tích 9,1 ha với 3 phân khu, 9 block với 1.640 căn hộ. Năm 2002, dự án Kenton Residence bắt đầu động thổ và được mở bán vào năm 2009. Sau thời gian "trùm mền", đến năm 2017, Kenton Residence bất ngờ được tái khởi động và đổi tên thành Kenton Node. Tuy nhiên, dự án chỉ được thi công rầm rộ một thời gian, sau đó tiếp tục "đắp chiếu" cho đến nay.
Mới đây, BIDV rao bán nhà máy xi măng tại Lạng Sơn với giá khởi điểm 168 tỷ đồng. BIDV thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Xi măng Hồng Phong (UPCoM: LCC). Tài sản đấu giá là nhà máy sản xuất xi măng có công suất 350.000 tấn/năm và toàn bộ tài sản, tài sản gắn liền với đất, cơ sở hạ tầng tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tài sản bao gồm hệ thống nhà xưởng, công trình, bể chứa nguyên liệu... và hệ thống thiết bị sản xuất
BIDV cho biết hà máy xi măng hiện đang hoạt động cầm chừng, quyền sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm và thời hạn sử dụng đất đến năm 2034 và 2036.
Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 168,2 tỷ đồng, đặt cọc 30 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 6/10 tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
CTCP Xi măng Lạng Sơn tiền thân là nhà máy Xi măng Lạng Sơn, được thành lập theo quyết định ngày 16/12/1993 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Ngày 6/5/2010, cổ phiếu của doanh nghiệp chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh xi măng, bê tông, vôi, gạch, ngói, khai thác đá...
Cuối tháng 7, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo về việc doanh nghiệp tiếp tục duy trì diện bị hạn chế giao dịch trên hệ thống do không công bố thông tin về họp ĐHCĐ thường niên 2022.
Theo báo cáo tài chính năm 2021, CTCP Xi măng Hồng Phong ghi nhận khoản nợ lãi tại BIDV chi nhánh Lạng Sơn là gần 365 tỷ đồng. Ngoài khoản nợ của BIDV, công ty còn có nhiều khoản vay và nợ tài chính hơn 140 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2021, CTCP Xi măng Hồng Phong lỗ lũy kế 712,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 650 tỷ đồng.