Những 'ông lớn' cổ phần hụt hơi so với nhóm Big4

Minh Quang 10:34 | 07/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận Techcombank và VPBank đã vượt qua hai Big4 là VietinBank và BIDV. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thứ hạng trong bảng xếp hạng lợi nhuận đã có sự biến động lớn.

Hụt hơi với nhóm Big4

Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng đã có nhiều biến động lớn trong năm 2023 khi nhiều "ông lớn" cổ phần từng ghi nhận lợi nhuận vượt nhóm Big 4 lại có đà tăng trưởng chững lại, có ngân hàng sụt giảm mạnh.

Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của Techcombank và VPBank này từng đứng thứ hai và ba trong danh sách 28 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính, vượt qua cả những thành viên trong Big4 như BIDV hay VietinBank cũng như MB - á quân lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay.

Techcombank đã tụt ba bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ hai xuống thứ 5. Trong khi đó, VPBank từ vị trí thứ ba đã rớt xuống thứ 10.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Techcombank đạt hơn 13.700 tỷ đồng, giảm 18,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất của VPBank đã giảm 58,6%, xuống 6.530 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, mức độ sụt giảm lợi nhuận của hai ngân hàng có xu hướng dần thu hẹp so với những quý trước. Tính riêng trong quý III, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đã giảm 13% so với cùng kỳ, trong khi VPBank giảm 31,5%.

Lợi nhuận của VPBank và Techcombank từng có thời điểm lấn lướt so với hai đại diện Big4 là VietinBank và BIDV.

VPBank không còn khoản thu bất thường, FE Credit mới lãi trở lại

Lý giải về biến động lợi nhuận của mình, VPBank cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III đi lùi do chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập từ lãi. Thu nhập lãi thuần của VPBank đã giảm 14,9% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.800 tỷ đồng. Xét lũy kế 9 tháng đầu năm, khoản mục này còn hơn 27.100 tỷ đồng, giảm 11,7%.

Sự chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi được thể hiện qua biên lãi thuần (NIM). NIM của ngân hàng đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ quý II/2016. Đầu năm 2020, NIM của VPBank từng ở ngưỡng 9,5% nhưng đến nay đã giảm còn 5,85%, theo dữ liệu từ WiChart.

 

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của VPBank cũng giảm khi không còn khoản thu nhập bất thường từhợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với AIA (khoảng 5.000 tỷ). Nếu loại trừ lãi thuần từ hoạt động khác, thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm của VPBank vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ. 

Ngoài ra, kết quả ngân hàng hợp nhất trong năm nay kém sắc một phần còn đến từ việc sụt giảm từ mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, FE Credit đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 3.000 tỷ. Ngân hàng cho biết mảng kinh doanh này đã có lãi trở lại vào quý III. Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Vietcap, lãi của FE Credit không đáng kể, chỉ khoảng 4 tỷ đồng, vẫn kém xa mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi quý vào thời điểm trước đại dịch của công ty tài chính này.

Chi phí dự phòng trong quý III đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý III của VPBank đạt 5,74%, gần tương đương với giai đoạn đầu năm và giảm đáng kể so với quý II. Do đó, ngân hàng có thể duy trì mức trích lập thấp hơn mà vẫn đảm bảo tỷ lệ bao phủ nợ xấu không đổi so với quý liền trước.

Sau 9 tháng, ngân hàng hợp nhất ghi nhận tăng trưởng cho vay đạt 19%, cao nhất toàn hệ thống. Tăng trưởng tiền gửi của VPBank cũng đạt 39%, cao thứ hai chỉ sau HDBank.

Vietcap đánh giá rằng VPBank ghi nhận mức tăng trưởng tốt như vậy do có sự hỗ trợ từ SMBC và các đối tác quốc tế khác, cũng như việc đầu tư mở rộng hệ sinh thái ngân hàng sang nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán ...

"Ngoài ra, việc sở hữu một trong những nền tảng vốn mạnh nhất trong ngành đã mang lại cho VPBank nhiều dư địa để phát triển hơn so với các ngân hàng thương mại khác", Vietcap nhận định.

Techcombank: Chi phí tăng theo mùa, NIM vẫn chịu áp lực

Techcombank, á quân lợi nhuận 9 tháng đầu năm ngoái, sang năm nay cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như VPBank khi chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập từ lãi. Xét lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần đã giảm 14,4%, xuống 20.094 tỷ đồng.

Ông Alexandre Macaire, CFO của Techcombank lý giải về tình trạng trên: "Hiện nay, các ngân hàng dư rất nhiều thanh khoản. Bạn có thể nhìn thấy điều này trong việc lãi suất tiền gửi và lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm".

Trong khi đó, các ngân hàng hạ lãi suất cho vay vì muốn thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Do đó, không nền kỳ vọng rằng một sự cải thiện đáng kể về NIM, ít nhất là trong ngắn hạn, ông nói thêm.

Biên lãi thuần của Techcombank đã xuống mức thấp nhất kể từ 2019.

Ngoài ra, ông Macarie cho biết chính sách lãi suất linh hoạt nhằm hỗ trợ khách hàng của Techcombank cũng là một lý do khiến NIM chịu áp lực.

Nếu chính sách này được dỡ bỏ vào năm sau, ông dự báo NIM của ngân hàng sẽ tăng từ 0,3 đến 0,4 điểm %. Tuy nhiên, điều tích cực là nếu so với quý II, mức độ sụt giảm của thu nhập lãi thuần đã chậm lại đáng kể trong quý III.

Ngoài việc biên lãi thuần thu hẹp, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank cũng đã tăng lên, ăn mòn lợi nhuận. Về vấn đề chi phí hoạt động, ông Macaire cho biết tình trạng này là bình thường và mang tính mùa vụ. Đồng thời, việc Techcombank chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cũng đã khiến chi phí đi lên.

Chi phí quý III tăng lên một phần do Techcombank chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập.

Tương tự như nhiều ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế xấu đi, chất lượng tài sản đi xuống, Techcombank cũng chịu áp lực phải nâng chi phí dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, điểm sáng trong kết quả kinh doanh của Techcombank đến từ tăng trưởng trong thu nhập ngoài lãi.  So với cùng kỳ năm trước, thu nhập ngoài lãi trong 9 tháng đầu năm đã tăng 15,7%, đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giúp hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận.

Vì sao Big4 lại ít bị ảnh hưởng?

Trong một năm 2023 đầy khó khăn, ngành ngân hàng nói chung đang chứng kiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các đại diện của Big4 niêm yết (Vietcombank, VietinBank và BIDV) vẫn tiếp tục duy trì sự bền bỉ, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cả về giá trị và tỷ lệ tăng trưởng.

Mức tăng lợi nhuận của nhóm này cao hơn trung bình ngành cũng như các ngân hàng thương mại cổ phần lớn (MB, Techcombank, VPBank và ACB).

Do có quy mô tài sản vượt trội, nguồn huy động cũng như cho vay đa dạng, các ngân hàng thuộc nhóm Big4 có thể đạt được lợi thế qua quy mô. Mặc dù NIM của nhóm Big4 không cao hơn nhóm cổ phần, nhưng lại không bị sụt giảm sâu trong những giai đoạn khó khăn, bất chấp việc các ngân hàng này là nhóm đi đầu trong các chương trình về hỗ trợ nền kinh tế.

Cuối năm ngoái, các Big4 đã không đưa lãi suất huy động lên cao như nhóm cổ phần. Sang năm nay, các ông lớn này cũng đi đầu trong việc hạ lãi suất tiền gửi.

NIM của nhóm Big 4 không giảm nhiều so với quý III năm ngoái.

Quy mô lớn còn giúp cho chất lượng tài sản của nhóm Big4 được duy trì tốt hơn, khi rủi ro được phân tán, ít tập trung vào một ngành nghề, lĩnh vực hay khu vực địa lý, đối tượng khách hàng riêng lẻ. Big4 còn duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt trội so với phần còn lại.

Do đó, khi chất lượng tài sản đi xuống, những ông lớn này có thể không phải chi thêm quá nhiều để dự phòng rủi ro. Ngoài ra, sự thận trọng trong việc cho vay của các nhà băng thuộc nhóm Big4 cũng là yếu tố giúp kiềm chế nợ xấu và qua đó là chi phí dự phòng.

Nhóm Big4 có sự chuẩn bị tốt hơn các NHTM cổ phần lớn trước rủi ro về nợ xấu.