Bộ Tài chính: Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao

Đông Bắc 16:52 | 23/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ ký báo cáo Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện dự toán năm 2022.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày “Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020” tại phiên họp Quốc hội chiều nay 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện... để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giản ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra; chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án quan trọng, cấp thiết, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Kịp thời điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công, cắt giảm vốn từ dự án không giải ngân được sang dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng cho biết: Tổng kế hoạch vốn đã được Quốc hội giao là 540.648,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế giải ngân năm 2021 là 383,57 nghìn tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461,3 nghìn tỷ đồng) (cùng kỳ năm 2020 đạt 85,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó vốn trong nước là 368.930,3 tỷ đồng (đạt 75,43% kế hoạch giao là 489.098,2 tỷ đồng); vốn nước ngoài là 14.641,19 tỷ đồng (đạt 28,40% kế hoạch giao là 51.550 tỷ đồng). Ước thanh toán từ đầu năm đến hết 31/1/2022 là 431.188,53 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 97,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Công tác giải ngân vốn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp của các bộ, ngành trung ương để đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư công từ ngân sách Nhà nước. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương và một số dự án lớn, quan trọng quốc gia có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Thông tấn xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Phát triển (100%), Văn phòng Quốc hội (100%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (100%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (100%)...

Bên cạnh đó vẫn còn 9/50 Bộ và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban dân tộc (100%) Bộ Thông tin và Truyền Thông (96,79%), Bộ Công thương (65,4%)...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nguyên nhân do năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều nhiệm vụ, dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua mới được giao kế hoạch chi tiết; một số địa phương không đảm bảo nguồn thu để phân bổ cho các dự án do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công; đền bù giải phóng mặt bằng đang là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch được giao, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ước hết tháng 1/2022 còn 20 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 70% như: Ủy ban Dân tộc (0%), Bộ Thông tin và Truyền thông (2,92%), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (5,89%)...

Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 23/5. Ảnh QH.

Về quyết toán ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về quyết toán thu NSNN, dự toán là 1.539.052,8 tỷ đồng; quyết toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán.

Trong đó, thu ngân sách Trung ương (NSTW) giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 63.603 tỷ đồng.

Về quyết toán chi NSNN, dự toán là 1.773.766,2 tỷ đồng; quyết toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, quyết toán chi NSTW là 647.851,1 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán; quyết toán chi NSĐP là 1.061.672,6 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán.

Về bộ chi NSNN, dự toán Quốc hội quyết định đầu năm là 234.800 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP. Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020, Quốc hội cho phép tăng bội chi NSTW thêm tối đa 133.500 tỷ đồng.

Khi đó, số bội chi NSNN Quốc hội cho phép là 368.300 tỷ đồng, tương đương 5,41% GDP kế hoạch. Quyết toán số bội chi NSNN là 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, giảm 18.394,4 tỷ đồng so với dự toán đầu năm theo Nghị quyết số 86/2019/QH14 và giảm 151.894,4 tỷ đồng so với mức Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 128/2020/QH14. Trong đó, bội chi NSTW là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 3.317 tỷ đồng.

Nguồn bù đắp bội chi NSTW từ vay trong nước là 178.515,2 tỷ đồng; vay ngoài nước là 34.573,4 tỷ đồng.

“Với kết quả quyết toán NSNN năm 2020 như trên, tổng thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt 6,918 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch; tỷ lệ huy động đạt 25,3% GDP (mục tiêu là 23,5% GDP); cơ cấu thu chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN (mục tiêu là 84-85%)”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đến năm 2020, có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 13 địa phương), 30 địa phương thu trên 10 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 17 địa phương), 17 địa phương thu ngân sách dưới 5 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 30 địa phương).

Người đứng đầu ngành tài chính nêu rõ: công tác phân bổ, sử dụng NSNN có nhiều đổi mới; đã triển khai kế hoạch tài chính 5 năm, kiểm soát chi ngân sách trong phạm vi khả năng thu.

Tổng chi NSNN 5 năm 2016-2020 khoảng 7,325 triệu tỷ đồng, bằng 91,3% kế hoạch 5 năm; nhưng riêng chi đầu tư phát triển 5 năm đã bố trí đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng), trong đó dự toán chi đầu tư phát triển NSTW đã bố trí đạt 1 triệu tỷ đồng (đạt 90%), dự toán chi đầu tư phát triển NSĐP (kể cả tăng thu, tiết kiệm chi) khoảng 1,2 triệu tỷ đồng (đạt 135% kế hoạch) .

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện bằng khoảng 29% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%); đồng thời, đã ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, đảm bảo chi các lĩnh vực quan trọng như: giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường, thực hiện tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công...

Đã quản lý, điều hành chặt chẽ bội chi NSNN, bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP (mục tiêu là không quá 3,9% GDP), giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cùng kỳ không đạt kế hoạch và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2020 .

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Nhờ kiểm soát bội chi NSNN và cơ cấu lại nợ công nên tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020; kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh”.

Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2020 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.279.735,6 tỷ đồng.

Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 592.648,8 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2019 là 173.819,1 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.688,5 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là 643.406,1 tỷ đồng.

Bội chi NSNN 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, bao gồm: bội chi NSTW là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 3.317 tỷ đồng.