Bức tranh phục hồi kinh tế 4 tháng đầu năm nhiều điểm sáng
Nhiều động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Báo cáo thẩm tra đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% là mức tăng trưởng khá, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66% và cùng kỳ năm 2021 tăng 4,72%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lần lượt tăng 2,35%, 3,86% và 2,54%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung, trong đó động lực chính tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 7,79%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc 4,58% khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đóng góp 43,16% vào mức tăng trưởng chung.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, nhận định sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 4 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 6,5%.
Xuất khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch 4 tháng đầu năm ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (14,7%). Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%. Nền kinh tế xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,5 tỷ USD).
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2022 ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI thực hiện tăng 7,6% dù FDI đăng ký giảm.
Bức tranh đăng ký doanh nghiệp cũng rất sáng. Tính chung 4 tháng, nước ta có hơn 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay. Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh.
Mặc dù áp lực kiểm soát lạm phát năm 2022 được đánh giá nặng nề hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,1% so với năm ngoái, mức tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2020. Trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng vọt, các biện pháp kiểm soát lạm phát trong nước đã được thực hiện kịp thời như ban hành chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho doanh nghiệp, người dân. Nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm, thị trường điện ổn định tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.
Trên thị trường tài chính, tỷ giá, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 11/5/2022, tín dụng tăng 7,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,01% so với cùng kỳ năm 2021.
Áp lực kiểm soát lạm phát
Mặc dù nhận định đà phục hồi kinh tế có nhiều tín hiệu sáng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho hay còn tiềm ẩn nhiều thách thức trong các quý tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là áp lực kiểm soát lạm phát hiện hữu.
“Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, báo cáo chỉ rõ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn, chẳng hạn chi phí đầu vào tăng cao, giá cước vận tải ở mức cao, giá nhiên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất (dầu, khí đốt, than) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu sức ép tài chính, áp lực tăng lương để tuyển dụng, giữ chân người lao động…
Thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,3%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%; vận tải hành khách mặc dù phục hồi trở lại trong tháng 4, nhưng tính chung 4 tháng vẫn giảm 6,3%; vận tải hàng hóa 4 tháng chỉ tăng 4,8% trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 11,2%.
Về tỷ giá, báo cáo nhận định có áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ siết chính sách tiền tệ khi lạm phát ở nước này tăng cao. Bên cạnh đó, nguy cơ nợ xấu, những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, thị trường vốn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời.
Ngoài ra, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng là một yếu tố được nhấn mạnh có nguy cơ tạo nên thách thức khác cho đà phục hồi kinh tế.
Hướng đến chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 đạt 8-8,5%: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5 - 7%, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ 7 nhiệm vụ.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19; bao phủ tiêm vaccine phù hợp; nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh...
Thứ hai, kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch trước khi phê duyệt. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Cuối cùng, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động.