Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cần chính sách hỗ trợ cho đối tượng yếu thế nếu giá xăng dầu tăng quá cao

Diệp Anh – Thúy Hiền 21:46 | 01/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Từ 15 giờ chiều 1/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, xăng E5RON92 không cao hơn 30.235 đồng/lít (tăng 602 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Xăng RON95-III không cao hơn 31.578 đồng/lít (tăng 921 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

"Nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình chung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nên nếu "ép giá đầu vào" các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ.

Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Hiện nay, giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, dẫn tới tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng chứ không nói một chiều.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.

Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), chúng ta vẫn còn dư địa để ‘kìm hãm đà tăng giá xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước tăng chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Khi giá xăng dầu tăng thì đối tượng chịu tác động lớn nhất là người dân và cả nền kinh tế. Chắc chắn phải làm thế nào đó để hạn chế tăng giá xăng dầu, thực hiện bình ổn giá xăng dầu.

"Điều đó không chỉ mang lại ổn định đời sống cho người dân mà còn thực hiện được vai trò điều hành vĩ mô của nhà nước. Đó là nhiệm vụ đặt ra, là bài toán mà Chính phủ phải tính đến", ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, có thể "kìm hãm" đà tăng giá xăng dầu bằng cách giảm các loại thuế, phí. Tuy nhiên, để đảm bảo về giá và an ninh năng lượng thì vấn đề dự trữ xăng dầu và sản xuất trong nước cần được đẩy mạnh.

Về dư địa giảm giá xăng dầu, rõ ràng nguyên liệu nhập khẩu vào cao thì đội giá thành lên nên chúng ta chỉ còn một cách là cắt giảm bớt phần thu như thuế phí. Khi xăng còn tăng giá thì đó là dư địa để chúng ta tiếp tục giảm các loại thuế.

Mặc dù, ngay lúc này, việc giảm các loại thuế cùng các chính sách miễn, hoãn, giảm các loại đóng góp sẽ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng chúng ta chấp nhận việc ảnh hưởng nguồn thu ngân sách.

Theo đại biểu Cường, có 2 điểm chúng ta phải chú ý, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế để điều tiết hành vi để người ta lựa chọn xem tiếp tục tiêu thụ nhiều hay lựa chọn cái khác. Trong bối cảnh chúng ta có được khả năng lựa chọn thì thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác dụng tốt. Ví dụ như giữa tiêu dùng xăng sinh học và xăng khác thì thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau nên chúng ta phải tính đến có thể điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu bây giờ không phải là mặt hàng xa xỉ nữa. Tuy nhiên phải tính làm sao vẫn có điều tiết hành vi tiêu dùng để lựa chọn.

"Thuế bảo vệ môi trường đang tính chung trên các loại xăng dầu thì có thể là yếu tố để chúng ta điều chỉnh để mỗi yếu tố đầu vào giảm đi sẽ cho giá bán ra giảm", ông Cường nhấn mạnh.