Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua “hải trình” gian nan để cập bến
Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi với báo chí về những kết quả năm 2023 và nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024 của ngành công thương.
Phóng viên: Năm 2023 đi liền với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ đối với kinh tế toàn cầu và cả đối với Việt Nam cũng như ngành công thương. Xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn đó đã tác động tới lĩnh vực công thương như thế nào và ngành ứng phó ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việt Nam đã bước qua một năm bản lề trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự báo. Đặc biệt nhiều quốc gia; trong đó, có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng bị suy giảm. Cùng đó, lạm phát tuy đã hạ nhiệt, nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu giảm sút, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.
Ở trong nước, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, nhất là ngành công nghiệp thích ứng hơn với tình hình mới của thế giới, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi ở bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả đất nước đã nỗ lực, kiên cường vượt qua khó khăn trong năm 2023. Đặt trong tương quan so sánh, nếu nhìn mức tăng trưởng của kinh tế thế giới là 2,9%; EU là 0,8%... hay trong khu vực ASEAN chỉ có Philippines tăng cao hơn Việt Nam nên có thể đánh giá mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam rất đáng ghi nhận.
Với ngành công thương, những khó khăn tác động trực tiếp phải kể đến việc xuất khẩu và sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh những tháng đầu năm (trong 2 tháng đầu của năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua). Ngoài ra, mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; tăng trưởng thương mại nội địa tuy đạt cao, nhưng chưa bằng mức tăng trưởng các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp. Việc theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập đã có sự chủ động, đổi mới phương thức thực hiện, nhưng vẫn còn những hạn chế, năng lực tham gia hội nhập của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.
Những hạn chế này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, ngành công thương đã sớm nhận diện những khó khăn, thách thức; chủ động, sáng tạo, tập trung xây dựng, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Phóng viên: Bộ trưởng có thể khái quát một số kết quả nổi bật của ngành công thương, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp đất nước vững vàng vượt qua thách thức?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, dưới sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối vĩ mô được bảo đảm… Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành công thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng; tăng cường công tác hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên để đa dạng hoá thị trường, duy trì tốt các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó, góp phần thúc đẩy các chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có chuyển biến rõ nét, đóng góp quan trọng trong việc đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất.
Đối với ngành công thương, thương mại trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, giữ vững vị trí trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế.
Ngoài ra, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm phục hồi tích cực. Đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Ngành than và dầu khí đều đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ so với cùng kỳ năm trước và vượt so với kế hoạch năm. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác của ngành cũng đã hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đề ra..., tạo thuận lợi và nền tảng để ngành vượt khó, tăng trưởng trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng dự báo về những khó khăn và giải pháp mà Bộ Công Thương đã xây dựng để ứng phó với biến động của năm 2024, một năm được đánh giá vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều những kịch bản khó lường?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, bởi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung toàn cầu. Trong khi đó, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tuy có phục hồi, nhưng còn chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, rủi ro.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cùng đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng thể chế. Trước mắt tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 4 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản; khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể như Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng…. Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Mặt khác, Bộ sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Ngoài ra, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Hơn nữa, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế.
Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bộ cũng chú trọng đổi mới xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đặc biệt, tập trung sắp xếp lại bộ máy, nhân sự bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu đề ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!