Bộ Xây dựng đề nghị kiểm tra, xử lý tình trạng thổi giá chung cư

Đông Bắc 14:36 | 17/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản, đặc biệt các dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

  

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới, đặc biệt các  dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, báo chí có phản ánh tại một số khu vực, dự án, khu nhà chung cư có căn hộ tăng giá với mức bất thường, có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản nếu có.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND TP Hà Nội có báo cáo gửi về bộ trước ngày 20/4.

 Giá chung cư tại Hà Nội tăng chóng mặt thời gian gần đây. Ảnh Nhật Di.

Theo khảo sát, nghiên cứu thị trường vừa được CBRE Việt Nam công bố mới đây, quý I/2024 tại Hà Nội nguồn cung căn hộ mới tập trung chủ yếu ở các dự án cao cấp phía Tây, đạt khoảng 2.300 căn, tổng số căn bán được khoảng 2.000 căn.

Về giá bán chung cư tại Hà Nội trong quý I năm nay có giá bán sơ cấp trung bình khoảng 56 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), tăng 5% so với quý IV-2023 và tăng 19% so với quý I/2023.

Số liệu khảo sát nghiên cứu của Savills Việt Nam cũng ghi nhận giá bán sơ cấp căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý I năm nay trung bình khoảng 59 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và tăng 14% theo năm.

Mới đây, tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Chuyển động bất động sản 2024 - Xung lực năm bản lề", ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có những nhận định về thị trường chung cư tại Hà Nội. Ông Đính cho rằng, hiện nay cần giải bài toàn là tìm mọi giải pháp để tìm nguồn hàng phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán. Hiện tại cầu rất lớn nhưng cung không có. Nhiều đối tượng trục lợi, đẩy giá.

Hà Nội không có nguồn hàng mới nên trên thị trường dù có chào bán nhưng hình thành trên thị trường thứ cấp chứ không phải sơ cấp. Những người có hàng hóa đang găm giữ rồi nhưng thấy nhu cầu cao lại đẩy lên mức giá chóng mặt.

Ông Đính chia sẻ: "Chúng tôi đồng ý giá bất động sản có tăng theo giá trị đầu tư, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng, chất lượng dịch vụ… tăng lên thì giá bất động sản vẫn tăng lên, nhưng tăng tương thích với tỷ lệ đầu tư chứ không thể tăng vượt được.

Nhưng có nghịch lý là ở nhiều vùng không có hoạt động đầu tư thêm nhưng lại thành chợ rất nóng, rất sốt dù không có hoạt động đầu tư nào trong bối cảnh chưa thoát được khó khăn về kinh tế. Chúng tôi muốn cảnh báo đấy là những hiện tượng bất thường, những thị trường giả, thị trường ảo.

Chúng tôi thấy có sự tấp nập nhưng người mua - bán không phải nhà đầu tư mà là nhưng màn kịch mà chúng tôi thấy rằng họ đang tạo ra thị trường giả để lôi kéo, cuốn hút những nhà đầu tư nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm.

Cho nên, câu chuyện tăng giá của Hà Nội hiện nay ở một số vùng chúng tôi đang đánh giá là không phải thị trường thật. Giá đó không phản ánh thật thực trạng thị trường nên phải cảnh báo nhà đầu tư, khách hàng hết sức thận trọng. Nếu các dự án đầu tư chất lượng tốt, phù hợp, được đầu tư bài bản, uy tín, thương hiệu… thì đó mới là thị trường thật".