Bộ Xây dựng nói gì về kiến nghị thêm ưu đãi cho nhà đầu tư làm nhà ở xã hội?

Đông Bắc 07:21 | 28/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên.

Kiến nghị nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút phát triển NƠXH

Ngày 27/12, Bộ Xây dựng cho biết vừa có Công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng chuyển đến trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia. Từ đó, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ  phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể như: Các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, tổng diện tích hơn 7.780.000 m2. Ngoài ra, 401 dự án đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng), quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Cử tri kiến nghị thêm ưu đãi cho nhà đầu tư xây nhà ở xã hội. Ảnh BĐS.

Mặc dù vậy, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách; nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận... chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, tổ chức ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được giao chủ trì, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu. Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, thông thoáng hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Linh hoạt trong bố trí quỹ đất nhà ở xã hội

 Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị đến Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ sửa đổi nội dung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 theo hướng linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất để xây dựng  nhà ở xã hội  phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển  nhà ở xã hội , trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20% để phát triển  nhà ở xã hội theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nhằm khắc phục một số tồn tại, bất cập của quy định này.

 Bộ Xây dựng đang triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ảnh HNM.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc trong quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì còn có những nội dung tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Một trong những phương án đưa ra theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng.

Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường, lớp dành cho người khuyết tật, yêu cầu bắt buộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội .