ByteDance bắt đầu bán công nghệ AI của TikTok
Động thái trên của Công ty công nghệ internet đa quốc gia ByteDance (Trung Quốc) là nhằm gia tăng các dòng doanh thu trước khi tiến hành thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vốn được chờ đợi từ lâu.
Tháng trước, ByteDance đã âm thầm ra mắt công ty con mới có tên BytePlus. Công ty mới này nắm trong tay danh sách khách hàng trên khắp thế giới, bao gồm cả khách hàng ở Mỹ.
Theo website của BytePlus, những khách hàng ban đầu của công ty này bao gồm cả Goat - nhà phát triển ứng dụng thời trang có trụ sở tại Mỹ, nền tảng đặt phòng du lịch Singapore WeGo, và Chilibeli - nền tảng dành cho người mua sắm trực tuyến ở Indonesia. TikTok cũng được liệt kê vào danh sách khách hàng của BytePlus.
Trụ sở ByteDance tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
BytePlus đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh nhờ tận dụng một số "yếu tố bí mật" của TikTok. Đó là một thuật toán giữ chân khách hàng bằng cách đề xuất các video mà họ thích. Công nghệ này có thể được sử dụng để cá nhân hóa các ứng dụng và dịch vụ cho khách hàng.
Các phần mềm khác được BytePlus cung cấp bao gồm ứng dụng dịch văn bản và giọng nói từ động, hiệu ứng video thời gian thực, và một loạt các công cụ quản lý, phân tích dữ liệu.
Ngoài ra, công nghệ thị giác máy tính của BytePlus có thể phát hiện và theo dõi 18 điểm xung quanh cơ thể từ đầu đến chân khi người dùng nhảy hoặc có cử chỉ trước máy quay. BytePlus cho rằng tính năng này có thể vận dụng để phát triển các ứng dụng thời trang và làm đẹp.
Theo hồ sơ trên LinkedIn, BytePlus đã chiêu mộ nhân viên từ các trung tâm kinh tế lớn như Singapore, London, và Hong Kong và cả nhân viên từ các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và IBM. TianyiHe, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Thiên Tân năm 2014, đã gắn bó với ByteDance 6 năm nay. Trên LinkedIn, TianyiHe đảm nhiệm vị trí người đứng đầu chi nhánh BytePlus tại Singapore từ tháng 6/2021.
Bộ công cụ BytePlus dường như đang cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ AI của Amazon Web Services, Google, IBM, và Microsoft, và các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Baidu, và Tencent.
BytePlus ra mắt quốc tế sau khi giới thiệu một dịch vụ hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) mang tên Volcano Engine tại thị trường Trung Quốc. Volcano Engine đã liệt kê các ông lớn công nghệ Trung Quốc như JD.com, Vivo, và Geely vào danh sách khách hàng.
Trước Volcano Engine, sản phẩm doanh nghiệp đầu tay của ByteDance là một ứng dụng hỗ trợ kết nối dành cho doanh nghiệp mang tên là Lark, được phát hành vào năm 2019 nhằm thay thế cho ứng dụng Slack hoặc Teams của Microsoft.
Sự bão hòa lượng người dùng cá nhân trực tuyến đang đe dọa tới tốc độ phát triển nhanh chóng của TikTok và ứng dụng tương tự mang tên Douyin tại thị trường Trung Quốc. Do đó, buộc ByteDance phải đẩy mạnh khai thác mảng công nghệ dành cho doanh nghiệp. ByteDance đang thử nghiệm nhiều loại sản phẩm mới để đa dạng danh mục sản phẩm cho thị trường Trung Quốc và nước ngoài, chẳng hạn như trò chơi di động và ứng dụng chỉnh sửa video.
Được biết, ByteDance đang tìm cách đăng ký nhãn hiệu thương mại liên quan đến BytePlus và Volcano Engine tại thị trường Mỹ. Còn việc công ty này có mở văn phòng tại Mỹ hay không hiện vẫn là một ẩn số.
Theo Báo Đầu tư
Xem thêm: Ông chủ TikTok nhanh chóng từ chức vì tự nhận mình “thiếu kỹ năng lãnh đạo”