Các hãng hàng không tiếp tục kiến nghị các giải pháp hỗ trợ qua khó khăn bởi dịch COVID-19

06:41 | 05/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã gửi các kiến nghị lên Thủ tướng hỗ trợ các hãng bay bởi dịch bệnh COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, VABA kiến nghị Thủ tướng chính phủ sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục lại các đường bay quốc tế và quốc nội trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch (công nhận việc tiêm vaccine giữa các quốc gia có đường bay đến Việt Nam, giảm hoặc miễn thời gian cách ly đối với hành khách khách đã được tiêm vaccine, xét nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm tại các cảng hàng không, sân bay, thống nhất giá trị hiệu lực của kết quả xét nghiệm).

VABA cũng đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được xây dựng và chủ động áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Chính phủ có chính sách ưu tiên vốn ngân sách cho các công trình, dự án quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ đồng thời tạo điều kiện giảm giá dịch vụ liên quan đến các công trình hạ tầng hàng không khác có thể được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

VABA đề nghị xem xét chính sách cho hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm) với mục đích nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng theo luật định và giúp hãng hàng không giải quyết thanh khoản.

Ngoài ra, Chính phủ cho phép tiến hành các thủ tục đối với gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

Cùng với những nội dung trên đề cập ở trên, VABA cũng muốn các hãng được hưởng miễn giảm  70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không.

VABA phân tích rằng, mức giảm 30% như hiện nay không đáng kể và chưa phát huy tác dụng do hầu hết các chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị tạm ngưng, do vậy, phía VABA đề nghị cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít xăng Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không từ nay đến đến 30/6/2022.

Trước đó, các hãng hàng không cũng nhiều lần "cầu cứu" các cấp có thẩm quyền hỗ trợ do những ảnh hưởng từ đại dịch suốt từ đầu năm 2021 trở lại: Đề xuất Ngân hàng nhà nước vay thêm 30.000 tỷ, muốn được hưởng gói hỗ trợ theo cơ chế tái cấp vốn lãi suất 0%, ... 

Hiệp hội ước tính doanh thu năm 2021 của các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục giảm so với năm ngoái (năm 2020 giảm 60%) và lỗ sẽ lớn hơn khoản lỗ 16.000 tỷ đồng năm 2020. Số tiền nộp ngân sách năm 2020 sẽ bị giảm khoảng 10.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn nhiều khoản phải trả như lãi ngân hàng, thuê máy bay, trả lương nhân viên... Dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng do dịch nên nhiều hãng hàng không vào tình thế khó khăn, kiệt quệ về tài chính và có khả năng lâm vào cảnh phá sản. 

Được hỗ trợ xong thì các hãng cần làm gì tiếp theo?

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, sau khi được "giải cứu", các doanh nghiệp trong ngành hàng không cũng cần nỗ lực để xứng đáng với khoản hỗ trợ, đồng thời thể hiện vai trò lan tỏa đối với nền kinh tế cũng như trách nhiệm với cộng đồng...

Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM thì nhiều gói vay, khoản hỗ trợ mà các doanh nghiệp đề xuất đều phải dùng đến tiền ngân sách. Nếu giải cứu, sẽ vấp phải một câu chuyện rất nhạy cảm là: Liệu nhà nước có đang lấy tiền dân nộp thuế để đi giải cứu một cơ chế thị trường hay không?

Ngành hàng không vẫn còn một chặng đường dài sau dịch. Ảnh: Báo điện tử Đảng CSVN

Tất nhiên, nếu tiến hành thì các cấp có thẩm quyền cũng đã cần nhắc thật kỹ. Ông Bảo lấy ví dụ sau hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế vào hai năm 2008, 2009 thì Bộ Tài chính Mỹ đã rất đắn đo khi chi 49,5 tỷ USD để giải cứu hãng ô tô GM và lấy 61% cổ phần của hãng xe này. Sau tất cả, khi chuyển nhượng xong cổ phần GM, Bộ Tài chính Mỹ chỉ thu lại được 39 tỷ USD. Như vậy, người đóng thuế Mỹ chịu thiệt hại tới hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, giới tài chính vẫn luôn khẳng định chương trình giải cứu hãng ô tô GM là một thành công vì đã ngăn chặn sự sụp đổ của ngành công nghiệp ô tô Mỹ và cứu được một triệu việc làm.

Hiện tại, trước mắt Quốc hội ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Nhà nước bơm tiền đến các ngân hàng thương mại thông qua tái cấp vốn 0%, không tài sản bảo đảm để cho Vietnam Airlines vay. Chính phủ đã quyết định trích ngân sách thì đổi lại, doanh nghiệp hàng không cũng phải có những hành động cụ thể để tự cứu mình như cắt giảm chi phí tiền lương, chi phí nhân công, tái cấu trúc bộ máy doanh nghiệp và tự cân đối tài chính. 

Ông Bảo cho biết thêm, ngành này cần lập kế hoạch rõ ràng trong trung và dài hạn để chứng tỏ sự hiệu quả của các gói hỗ trợ. Sẵn sàng hoạt động với năng suất gấp đôi, gấp ba để bù lại những mất mát trong quá khứ và xứng đáng với khoản hỗ trợ nhận được và thể hiện vai trò là gạch nối với các ngành kinh tế khác, bất kể là hàng không nhà nước hay tư nhân.