Cần chấm dứt tình trạng mua NOXH kiểu 'bốc thăm trúng thưởng'
Để đối tượng hưởng chính sách được tiếp cận nhà ở xã hội vẫn là vấn đề gây tranh cãi hiện nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần đưa ra trước kỳ họp Quốc hội nhưng vẫn chưa có được giải pháp cụ thể. Hồi tháng 5 vừa qua, Hà Nội đã chứng kiến tình trạng xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm).
Ngay khi chủ đầu tư mở cửa tiếp nhận hồ sơ, người dân chen chân xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà bất chấp ngày đêm. Lọt qua vòng hồ sơ, 1.300 người phải bốc thăm giành suất mua 149 căn hộ. Nhiều người phải đi từ 4h sáng xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ tham gia lễ bốc thăm “may rủi”. Người tham dự lễ bốc thăm tự ví mình như chơi xổ số vì tỷ lệ chọi 1/9.
Với tỷ lệ chọi quá cao, nhiều khách hàng mặc dù đã được chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ nhưng vẫn biết rằng cơ hội được mua nhà ở xã hội tại dự án này là quá khó, còn ví như "hái sao trên trời". Đáng chú ý, sau khi kiểm tra, có tới 7 bộ hồ sơ không đạt yêu cầu dù bốc thăm trúng suất mua nhà tại dự án trên...
Cần chấm dứt tình trạng mua NOXH "bốc thăm trúng thưởng"
Tình trạng mua nhà ở xã hội kiểu "bốc thăm trúng thưởng" thời gian vừa qua một lần nữa được các đại biểu Quốc hội nêu lên tại dự thảo góp ý về Luật nhà ở sửa đổi và kiến nghị tình trạng cần được chấm dứt.
Ngày 29/8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc phát triển nhà ở thời gian qua hướng đến quyền sở hữu nhà ở như là tài sản hơn là để ở - vốn là chức năng cơ bản của nhà.
Ông Hoàn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai, đồng thời nghiên cứu một số chính sách như: ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu, miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội…
"Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội và bán sau khi mua 5 năm thì giá trị tăng 2 đến 3 lần so với lúc mua", ông Hoàn nói và đề nghị giữ lại quy định khi bán lại nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường thì phải nộp tiền sử dụng đất.
Theo ông Hoàn, cần quy định chủ sở hữu nhà ở xã hội chỉ được chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu về ở và chỉ mở rộng đối tượng sau 5 năm kể từ khi mua.
Vẫn theo ông Hoàn, thách thức với thị trường nhà ở thời gian tới là tỷ lệ di cư từ nông thôn ra thành thị có thể tiếp tục tăng.
Do đó, trong chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ di cư, dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. "Cần xác định chúng ta sẽ xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp", ông Hoàn nói.
Trên quan điểm này, ông Hoàn tán thành đề xuất giao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Cùng đó, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội.
"Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu bốc thăm trúng thưởng trong thời gian vừa qua. Cùng đó là chính sách đồng bộ về giải quyết việc làm tại nông thôn để hạn chế tình trạng di dân về đô thị", đại biểu Hoàn nhấn mạnh.
Hỗ trợ cho người mua thay vì ưu đãi nhà đầu tư nhà ở xã hội
Cũng tại hội nghị, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cần bổ sung chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Dự thảo luật đang thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội theo hướng làm giảm chi phí đầu vào, đưa ra các ưu đãi với nhà đầu tư mà chưa tập trung vào việc tăng cầu - tức là hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng - như hỗ trợ tiền mua, tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, dài hạn. Khi số người có nhu cầu được hỗ trợ tăng, cầu mua sẽ tăng và thị trường sẽ thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội.
Với quan điểm này, ông Nghĩa cho rằng việc quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại hoặc đóng tiền là chưa phù hợp với quy luật thị trường, tạo gánh nặng cho chủ đầu tư, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội.
Ông Nghĩa cũng đề nghị giữ quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của công đoàn.
Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.
Trong giai đoạn trước mắt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. "Đối với việc đầu tư xây dựng nhà xã hội để bán, đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn và có thể thực hiện trong tương lai", ông Nghĩa nêu.
Cắt giảm điều kiện cho các nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội
Phát biểu tại Hội thảo "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cho biết, hiện Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023. Ngoài ra, sẽ có nhiều chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Điều kiện mua nhà ở xã hội: Trong Luật sửa đổi sẽ theo xu hướng cắt giảm điều kiện cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Ví dụ hiện nay, các nhóm đối tượng này để mua được nhà ở xã hội phải đảm bảo 3 điều kiện: thứ nhất về nhà ở, không có nhà hoặc diện tích nhà dưới 10m2. Thứ hai, về thu nhập dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thứ 3, điều kiện về cư trú - tức là người mua phải cư trú tối thiểu từ 1 năm trở lên tại địa phương có dự án nhà xã hội.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi tới đây sẽ cắt giảm điều kiện, ví dụ với người muốn thuê chỉ cần có điều là một trong nhóm các đối tượng được thụ hưởng. Còn đối với các trường hợp mua hoặc thuê mua thì giảm bớt điều kiện về cư trú. Một nội dung được nhiều người quan tâm là nhà ở xác định tại đâu, trong Luật sửa đổi cũng chỉ rõ, chỉ cần người dân không có nhà ở trên địa bàn tỉnh/thành phố mà người đó dự kiến mua, còn địa bàn khác không tính.