Cần hành lang pháp lý thích nghi với kinh tế số nền tảng
(DNVN) - Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số phát triển và trở thành xu hướng dẫn dắt, có khả năng tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế. Việt Nam cần xây dựng hàng lang pháp lý thích nghi với kinh tế số nền tảng để phát huy tối đa điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng Việt Nam một cách bền vững, không bị tụt hậu so với các nước trên thế giới.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với kinh tế nền tảng số” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức.
Thời gian qua, các nền tảng kinh tế đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của nhiều tên tuổi lớn như Google, Amazon, Uber, Airbnb hay eBay. Và hơn thế nữa, một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), mặc dù tiếp cận với các nền tảng kinh tế từ rất sớm, nhưng ngay cả những nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ cũng gặp không ít thử thách: Họ đối mặt với những hình thái công việc mới, những mô hình kinh doanh mới, hoàn toàn khác biệt với truyền thống. Uber – một trong những người đi tiên phòng của kinh tế nền tảng đã từng khiến người lao động, chủ hãng taxi truyền thống biểu tình hàng dài trên các đường phố của London, Berlin, Paris và sang cả bờ kia của Đại Tây Dương tại San Francisco hay New York. Những biến động như vậy đã đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, nếu các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế trong khi các Chính phủ vẫn đang loay hoay với việc áp dụng hệ thống luật pháp cũ trên những hình thái kinh tế mới.
Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Câu chuyện về cách thức đối xử với taxi công nghệ bắt đầu từ năm 2014 cho đến khi Nghị định 10/2020 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 01/04. Nhưng liệu đó đã phải là hướng đi đúng đắn của Nhà nước để đón nhận những sự thay đổi tất yếu của kinh tế, và bài học nào trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để thích nghi với kinh tế nền tảng số trong mọi lĩnh vực. Hơn thế nữa, trong nhiều ngành nghề, các nền tảng số cũng đang hoạt động ngày càng mạnh kéo theo những vấn đề về khuôn khổ pháp lý liên quan. Nhà nước không thể tiếp tục dành thêm tám năm nữa để tập trung giải quyết các xung đột giữa mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình số được. Do đó, theo TS. Nguyễn Đức Thành việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chuẩn thích nghi với kinh tế nền tảng số là vô cùng cần thiết. Bởi hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống đã lỗi thời để quản lý các nền tảng kinh tế.
Đơn cử như việc Nhà nước cố gắng điều chỉnh hành vi của Grab, Be giống như VinaSun hay Mai Linh hiển nhiên là không hợp lý vì Grab, Be không cố định giá và số lượng lao động trong ngắn hạn; Airbnb cũng không thể bị quản lý như các dịch vụ lưu trú vì thực tế họ không sở hữu bất kì một cơ sở lưu trú nào; Tiki hoạt động hiệu quả hơn một “siêu bách hoá tổng hợp” mặc dù họ chỉ sở hữu một lượng hàng hoá rất nhỏ trong đó. Tương tự như vậy, một số nền tảng cũng đang hoạt động dưới hình thức trung gian kết nối dựa trên nguồn lực về công nghệ chứ không thực sự sở hữu tài sản cố định tham gia vào các hợp đồng.
Vậy nên theo TS. Nguyễn Đức Thành, câu hỏi đặt ra nếu hàng hoá/dịch vụ có vấn đề ai là người chịu trách nhiệm; ai là người nộp thuế và cấu trúc như thế nào? Cơ quan nào điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp? Bộ Thông tin và Truyền thông liệu có liên quan? Tất cả các vấn đề này đều không thể giải quyết bằng hệ thống luật pháp hiện tại bởi định danh của các chủ thể chưa được làm rõ.
Trong khi đó, sự tồn tại của các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thực sự là mối nguy của mô hình truyền thống và nhà nước, tất yếu, phải đưa ra chọn lựa của mình. Thực tiễn cạnh tranh trong đợt dịch COVID-19 có thể là một trải nghiệm để nhà hoạch định tham khảo. Trong khi các mô hình truyền thống gần như bị đóng băng do các cú sốc cung, sự biến động của cầu, sự xuống dốc của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung, một loạt các doanh nghiệp thương mại điện tử lại đang không ngừng kiếm lời: Amazon dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20%. Các nền tảng kinh tế giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hàng tồn kho – những vấn đề lớn của các doanh nghiệp hiện nay và phát triển như một xu thế của kinh tế trên thế giới. Nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada, v.v... hoặc các kênh phân phối online thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội.
Vì vậy, TS. Thành nhấn mạnh, trong thời điểm này, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do có lẽ mang lại hiệu quả tốt không kém gói tín dụng gần 280.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.