Cần xử lý nghiêm minh những hành vi đầu cơ, lướt sóng trong định giá đất

Đông Bắc 14:57 | 02/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cử tri Hà Nội kiến nghị tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá đất. Hạn chế tình trạng “sốt đất” ảo, có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi đầu cơ, “lướt sóng”, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

 

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Đông Anh sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu quận Hoàn Kiếm tới điểm cầu quận Long Biên và huyện Đông Anh.

Tại hội nghị, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Đông Anh bày tỏ sự phấn khởi với kết quả kỳ họp thứ tư của Quốc hội. Qua theo dõi các buổi truyền hình trực tiếp, thảo luận về kinh tế - xã hội; chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri nhận thấy sự sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí lực của đại biểu Quốc hội trước những vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị.

Khẳng định,  Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khá phức tạp, được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, cử tri các quận, huyện cho rằng, việc xác định, định giá đất tiếp cận với giá trị thị trường là điều rất khó. Do đó, cần quy định thật kỹ về tiêu chí, điều kiện, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, cơ sở tham khảo từ Hội đồng định giá sát với giá thị trường, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá; hạn chế tình trạng “sốt đất” ảo, có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi đầu cơ, “lướt sóng”, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri các quận Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Đông Anh để chuyển tới các cơ quan liên quan giải quyết, trả lời cử tri theo thẩm quyền.

 

 Cử tri Hà Nội kiến nghị phải hết sức thận trọng trong định giá đất. Ảnh KTĐT.

 Định giá đất, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Trước đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 14/11. Tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đi đúng hướng của tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến bỏ khung giá đất, giao quyền định giá đất cụ thể cho UBND cấp tỉnh.

Đại biểu Bình phân tích rằng, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong công tác định giá.

Đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Ông Bình nêu, tại khoản 1 Điều 163 có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; đảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là "phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường" để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cho rằng trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

Theo đại biểu, tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Tương tự đại biểu Bình, đại biểu Ngọc cũng đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh việc  dự thảo Luật bỏ khung giá đất là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

 Ông Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh NĐT.

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngoài ra, sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là ngọn hải đăng để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Luật Quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thông qua được quy hoạch tổng thể này.

Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể này để dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất và chỉ trên cơ sở đó mới đảm bảo được một sự minh bạch, ổn định cho phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều luật có liên quan và khi sửa đổi Luật Đất đai nên việc sửa đổi Luật này trong 3 kỳ họp, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra một quy luật sửa nhiều luật đồng bộ, để Luật Đất đai (sửa đổi) khi đưa vào có thể phát huy ngay tác dụng. Đây cũng là một việc rất quan trọng, nếu không thì chúng ta sẽ gặp lại cbài học trong lịch sử vì Luật Đất đai có thể tốt nhưng mà các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện Luật Đất đai.