Thủ tục và tín dụng là hai vướng mắc lớn nhất đối với thị trường bất động sản

Đông Bắc 11:43 | 02/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản có biến động, nổi lên một số vấn đề, đó là nguồn cung có chiều hướng giảm, hoạt động giao dịch bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản giảm.

Đặc biệt, có doanh nghiệp  bất động sản đối mặt khó khăn như phải dừng hoạt động, một số doanh nghiệp cho công nhân lao động tạm nghỉ việc.

"Tổ công tác phân loại các khó khăn, vướng mắc của thị trường, doanh nghiệp và trực tiếp, đề nghị các bộ, ngành và địa phương xem xét, tháo gỡ kịp thời. Những gì Tổ công tác gỡ được ngay thì chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp tại chỗ", ông Sinh nói.

Theo đó, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, Tổ công tác đã yêu cầu các địa phương triển khai, phê duyệt dự án và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khó khăn thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, tổ cũng phân loại, đề nghị các bộ tháo gỡ. Chẳng hạn, vướng mắc liên quan tới đất đai thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét; thủ tục đầu tư thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát, xử lý...

Còn các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Tổ công tác đánh giá kỹ, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định kịp thời.

Trong đó, có những khó khăn về nguồn lực tài chính, danh mục đầu tư..., lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, để bán hàng, thu tiền về.

Theo ông Sinh, thị trường bất động sản đang vướng 4 khó khăn lớn cần giải quyết, là thủ tục đất đai, tín dụng, thủ tục đầu tư, hành chính. Tới đây Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản tiếp tục làm việc với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, một số địa phương có dự án bất động sản; doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, đôn đốc tháo gỡ và đề xuất Chính phủ giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Ảnh VGP.

Bổ sung, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trong số các khó khăn hiện tại, thủ tục đất đai và tín dụng là hai vướng mắc lớn nhất.

Nhắc tới giải pháp, ngoài gỡ vướng về thể chế, chính sách, ông cho rằng, cơ quan quản lý cần rà soát phân khúc các thị trường, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.

Với doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cần yêu cầu một số chủ đầu tư tìm cách hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn, thì người dân sẽ bỏ tiền ra mua. Theo ông, đây cũng là cách "giải cứu" các chủ đầu tư.

Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn từ đầu năm nay.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là tắc nghẽn dòng vốn. Trong đó, tín dụng bị hạn chế; việc phát hành trái phiếu cũng không khả quan khi cơ quan quản lý có nhiều động thái siết thị trường, nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu sai phạm bị xử lý...

Với các giải pháp đồng bộ đang và sẽ triển khai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tin, thị trường bất động sản sẽ sớm ổn định.

Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay việc chấn chỉnh thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, vốn, bất động sản... có thể tác động tới tâm lý nhưng "không thể không làm", bởi cần xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Ông giao Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi các nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước được giao sửa đổi nhanh các thông tư liên quan đến tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn.

 Khoanh vùng đối tượng để gỡ khó cho bất động sản

Tuần qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP HCM về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Ngoài ra, dự kiến trong tháng 12 tới, UBND Thành phố sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn để lắng nghe, trao đổi, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Với những động thái cụ thể trên, nhất là Tổ công tác lần này do Bộ trưởng Bộ Xây dựng dẫn đầu có thể giải quyết ngay những khó khăn trước mắt, bằng cách phân loại doanh nghiệp, phân loại dự án, tách nhóm theo cấp độ ưu tiên và có chính sách hỗ trợ riêng.

“Trước mắt, HoREA đang phối hợp cùng Sở Xây dựng tổng hợp một số dự án nằm trong nhóm có thể xem xét giải quyết được để trình UBND TP.HCM và Tổ công tác xem xét, tháo gỡ ngay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA tiết lộ, đồng thời kỳ vọng khi các dự án điểm này được xử lý thì các dự án khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được địa phương giải quyết ngay.

Ngoài pháp lý, sự cạn kiệt thanh khoản hiện nay một phần do tắc dòng vốn, lãi suất cho vay cao. Các chuyên gia cho rằng, việc nới tín dụng thêm 1 - 2% nữa sẽ giúp thị trường ấm trở lại. Lượng vốn bơm thêm có thể không quá lớn, song nếu quay vòng nhiều lần, sẽ làm thị trường sôi động hơn.

Tất nhiên, phải cân nhắc rất kỹ đối tượng cần giải cứu và cách thức thực hiện, bởi nếu rót tiền cứu bất động sản thì giá nhà, đất sẽ còn tăng nữa và thị trường lại tiếp tục diễn tiến không lành mạnh. Do đó, cùng với việc khoanh vùng đối tượng được tháo gỡ pháp lý dự án, có thể chọn doanh nghiệp và người dân có nhu cầu thực về nhà ở nhằm đảm bảo dòng vốn hướng đến đúng đối tượng, tạo động lực phát triển cho thị trường.

Trước mắt, với những doanh nghiệp có các khoản nợ đến kỳ hạn thanh toán, biện pháp ưu tiên trước khi nguồn vốn được khơi thông vẫn là phải bán tài sản, tái cấu trúc để tự giải quyết thanh khoản.

 

Thủ tướng thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

 Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản.

Tổ công tác do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố.

Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổ cũng sẽ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan; Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định 1435/QĐ-TTg, Tổ công tác có quyền hạn yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai, nhưng khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Tổ cũng được giao quyền hạn mới lãnh đạo các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối  hơp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.