Cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cuộc chiến giao thực phẩm tươi sống tại Đông Nam Á

08:18 | 05/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Grab, Lazada và Shopee đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao thực phẩm tươi sống trên các nền tảng của họ, song cuộc đua chỉ thực sự bứt tốc khi COVID-19 bùng phát.
Năm ngoái, khi COVID-19 bùng phát ở Đông Nam Á, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia trở thành các thị trường nóng của cuộc chiến giao thực phẩm tươi sống trong bối cảnh các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh đầu tư vào mảng này, TechInAsia nhận định.
 
Năm 2018, Grab hợp tác với HappyFresh (Indonesia) để triển khai dịch vụ giao đồ tươi sống GrabFresh ở Indonesia và Thái Lan. GrabVentures (bộ phận đầu tư vào startup của Grab) cũng đồng thời trở thành nhà đầu tư vào HappyFresh. Năm ngoái, Grab tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ở mảng đồ tươi sống thông qua dịch vụ GrabMart ở nhiều thị trường trong khu vực và GrabSupermarket ở Malaysia.
 
cuộc chiến giao thực phẩm tươi sống tại Đông Nam ÁNhững xe chở thực phẩm tươi sống của công ty Happy Fresh tại Indonesia
 
Lazada cũng bắt đầu giao thực phẩm tươi sống trong khu vực thông qua thương hiệu LazMart sau khi thâu tóm dịch vụ RedMart (Singapore) vào năm 2016.
Shopee khởi động nỗ lực của họ từ năm 2018 cùng Shopee Mart. Đó là chưa kể đến những cái tên mới như Pandamart (Foodpanda) hay Oway (Myanmar).
 
Cuộc chơi không chỉ dành cho các tập đoàn đa quốc gia. Nhiều công ty nhỏ, chỉ hoạt động ở một thị trường cũng đã kịp tạo dấu ấn.
 
Giữa lúc mảng kinh doanh giao thực phẩm tươi sống đang lên, các siêu thị truyền thống cũng có những dấu hiệu hồi phục, theo TechInAsia.
 
Sheng Siong Group, chuỗi siêu thị ở Singapore, đã chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng hồi năm ngoái. Sheng Siong Group nói rằng lợi nhuận ròng của họ tăng hơn gấp đôi trong quý 2/2020 ở thời điểm đại dịch ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống.
 
Nhiều công ty giao đồ tươi sống trực tuyến đang gặp khó vì biên lợi nhuận quá mỏng. Ngay cả RedMart cũng chưa có lợi nhuận dù họ đã chắc chân ở Singapore.
 
Gojek ra mắt dịch vụ giao đồ tươi sống GoMart vào năm 2015 song đã tạm dừng hoạt động vào năm 2018 trước khi trình làng một dịch vụ cơ bản hơn có tên GoShop. Khi Gojek đầu tư trở lại vào mảng giao đồ tươi sống hồi năm ngoái, GoMart cũng trở lại và hiện đã hoạt động ở Indonesia.
 
Dù cạnh tranh nóng lên, triển vọng thị trường khá tươi sáng. Đồ ăn và đồ tươi sống là hai ngành hàng tăng trưởng mạnh nhất của ngành TMĐT trong năm 2020. Động lực từ đại dịch sẽ không mất đi trong thời gian trước mắt.
 
Một báo cáo xuất bản vào năm 2020 cho thấy 47% người mua đồ tươi sống trực tuyến ở Đông Nam Á trong năm 2020 là người dùng mới. 76% trong số họ tiếp tục mua hàng trực tuyến sau đó. Khi các cửa hàng truyền thống giải quyết được vấn đề logistics và lợi nhuận, tăng trưởng sẽ còn mạnh mẽ hơn, TechInAsia đưa ra nhận định.
 
Theo Tài chính Doanh nghiệp