Cắt giảm phát thải khí nhà kính: Giải pháp nào cho ngành phân bón?

Anh Nguyễn/TTXVN 08:48 | 24/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với thực tế là tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến ngành phân bón chiếm khoảng 2,5%, việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để vừa giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang được ngành phân bón tập trung triển khai. Đây cũng là hướng đi phù hợp góp phần đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam với thế giới.

Tại hội thảo “Ngành phân bón với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức ngày 23/6, ông Bùi Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiết kiệm năng lượng Bách khoa cho biết, năng lượng chiếm đầu vào đáng kể trong ngành sản xuất phân bón, do vậy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và chuyển đổi năng lượng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/TTXVN

Thực tế tại Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cho thấy, việc áp dụng các giải pháp thay thế và nâng cấp máy móc nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã mang lại những kết quả rõ rệt. Cụ thể, việc thay thế hệ thống rửa đồng bằng hệ thống methal hóa đã tiết kiệm được 20% năng lượng; việc sử dụng nước tuần hoàn thay thế cho nước công nghiệp khu 678 giúp tiết kiệm 78% năng lượng; việc thay thế máy nén H2/N2 bằng máy nén tuần hoàn giúp tiết kiệm 33% năng lượng.

Đại diện Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng cho biết, việc nghiên cứu, áp dụng dùng khí nóng lò đốt bằng nhiên liệu sinh khối thay thế lò đốt dầu FO để sấy NPK và lò đốt than sấy phụ gia giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu phát thải khí có chứa CO2 và giảm khoảng 3.500 tấn dầu FO/năm. Bên cạnh đó, công ty đã tận dụng hơi nước và nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric để chạy tua bin phát điện, với sản lượng hơi tận dụng được phát điện với công suất trung bình 2 MWh, giảm tiêu thụ điện năng từ lưới điện quốc gia, góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ sử dụng 100% quặng apatit tuyển ẩm không sấy, giúp tiết kiệm khoảng 7.000 tấn than cám 5, giảm định mức điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt than, giảm lượng phát thải khí ra môi trường; thực hiện xử lý tuần hoàn 100% nước thải sinh hoạt và sản xuất đạt yêu cầu; thu gom triệt để chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại nhằm giảm phát thải khí nhà kính phát sinh.

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ngày 28/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; trong đó đặt mục tiêu đưa diện tích sản xuất đất nông nghiệp hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; lượng phân bón hữu cơ chiếm trên 30% lượng sản xuất cung ứng trên thị trường, gấp hơn 2 lần so với năm 2020.

Với định hướng như vậy, việc phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng theo hướng hữu cơ, phân hữu cơ khoáng là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp xanh nhưng vẫn đảm bảo tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, ông Hà chỉ rõ.

Đồng tình với quan điểm của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón hoá chất Cà Mau (PVCFC) Nguyễn Thị Hiền cho biết, nền kinh tế Sri Lanka bị rơi vào khủng hoảng khi chính phủ nước này quá vội vã trong hữu cơ hóa nông nghiệp, đây chính là bài học “xương máu”. Thực tế cho thấy trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, cây trồng vẫn cần dinh dưỡng nên việc cơ cấu hợp lý giữa sản xuất phân vô cơ và hữu cơ là rất cần thiết.

 Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc PVCFC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/TTXVN

Hiện PVCFC đã phát triển bộ giải pháp dinh dưỡng tổng hợp với công nghệ Bio-Coating, công nghệ phức hợp Humate, công nghệ sinh học và công nghệ cao, công nghệ phân bón nhả chậm (CRF và SRF), công nghệ BioMix…để phát triển các dòng sản phẩm phân bón mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng và khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây trồng, đồng thời giúp giảm khí thải nhà kính.

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ Bio-Coating đã giúp PVCFC tạo ra các dòng sản phẩm đạm tiết kiệm (N.46 Plus), đạm kích kháng (N46. True), đạm sinh học (N.46 Rich), đạm vi sinh (Urea BiO) giúp giảm lượng phân đạm ure bón từ 15-20%, phù hợp với các chương trình giảm khí phát thải nhà kính nói chung và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Theo chuyên gia tư vấn độc lập Nguyễn Văn Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với hầu hết các cây trồng, cơ cấu sử dụng 70% lượng dinh dưỡng từ vô cơ và 30% dinh dưỡng từ hữu cơ là hợp lý bởi phân hữu cơ không cho tác động nhanh nhưng lại tăng hiệu quả sử dụng phân vô cơ, đồng thời giúp cải tạo đất...

Tuy nhiên, do mỗi loại phân bón đều có tính hai mặt với môi trường và dinh dưỡng cây trồng nên việc sản xuất phân bón cần có sự điều tiết hợp lý. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ứng dụng các công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hiện có, cũng như phát triển các dòng sản phẩm phân bón chậm tan, phân bón tan có kiểm soát hoặc đưa thêm các chủng vi sinh vào phân vô cơ để tăng hiệu quả. Đối với phân hữu cơ, việc khai thác tối đa theo hướng tuần hoàn các chất hữu cơ và dinh dưỡng từ phụ phẩm chăn nuôi và trồng trọt để sản xuất phân hữu cơ chính là giải pháp tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản.

Để hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện cam kết trung hòa carbon trên cơ sở có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để đầu tư lại, cấu trúc lại quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị.

 Theo đó, với doanh nghiệp cam kết lộ trình đổi mới thiết bị và công nghệ, Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp khấu trừ chi phí đổi mới công nghệ thiết bị giảm phát thải vào chi phí sản xuất trước thuế, chuyên gia tư vấn độc lập Nguyễn Văn Bộ đề xuất.

Về phía Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Phùng Hà cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phân bón. Theo đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị sửa Luật Thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; trong đó chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thành đối tượng chịu thuế với thuế suất 0% hoặc 5% để doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chiều sâu công nghệ, từ đó phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới có chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới và nhanh chóng đưa vào sản xuất nông nghiệp, việc khảo nghiệm phân bón cần có sự đổi mới. Theo quy định hiện hành, để được cấp Quyết định lưu hành cho một loại phân bón, sản xuất hay nhập khẩu, doanh nghiệp phân bón cần phải làm thủ tục khảo nghiệm phân bón, thời gian khoảng 1  năm rưỡi đến 2 năm thậm chí 3 năm với chi phí không hề nhỏ. Vì vậy, việc  khảo nghiệm phân bón đối với các sản phẩm phân bón thông dụng là không cần thiết nếu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh phân bón. Quy định khảo nghiệm chỉ áp dụng đối với một số loại phân bón thế hệ mới, chưa từng được nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh./.